Huyện Đất Đỏ: Giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao
Trong thời gian qua, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã có nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, gắn với quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, bộ mặt nông thôn mới của huyện ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Diện mạo nông thôn mới đổi thay
Năm 2010, huyện Đất Đỏ bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm là huyện thuần nông, hạ tầng lạc hậu, phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, sau gần 10 năm vượt qua nhiều thách thức, Đất Đỏ là một trong hai huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2024, Đất Đỏ tiếp tục đạt được cột mốc mới, trở thành huyện nông thôn mới nâng cao. Theo đó, Đất Đỏ hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nôn thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025; 6/6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 2 thị trấn Đất Đỏ và Phước Hải đạt chuẩn đô thị văn minh.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đất Đỏ, nhờ được đầu tư gần 5.500 tỷ đồng từ ngân sách và các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, sau gần 14 năm Đất Đỏ đã thay đổi toàn diện, đặc biệt là hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, 179km đường giao nông thôn, 87 km kênh mương thủy lợi được sửa chữa và xây mới.
Song song đó, Đất Đỏ tập trung tái cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với thời tiết, nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao. Ngành nghề nông thôn không ngừng phát triển mở rộng, các hợp tác xã, tổ hợp tác cơ sở sản xuất kinh doanh không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, Đất Đỏ có 20 sản phẩm của 12 chủ thể đạt chứng nhận OCOP, trong đó 10 sản phẩm 3 sao, 10 sản phẩn 4 sao.
Ông Nguyễn Công Danh, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn trên địa bàn.
Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn huyện đạt trên 76 triệu đồng/người/năm, toàn huyện không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, người dân Đất Đỏ còn chú trọng tôn tạo môi trường, tạo cảnh quan xanh -sạch – đẹp. Đồng thời, các thiết chế giáo dục, y tế được đầu tư đúng mức; các công trình thể thao liên tục được đầu tư mở rộng, hoạt động thể dục thể thao ngày càng lan tỏa, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Nhiều mô hình giảm nghèo
Song song với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị huyện Đất Đỏ.
Trong đó, nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2022-2025, huyện Đất Đỏ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.
Cuối năm 2022, dù không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia nhưng huyện Đất Đỏ vẫn còn 379 hộ nghèo chuẩn tỉnh, chiếm 1,84% tổng số hộ dân. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, đến hết năm 2023, huyện Đất Đỏ đã có 221 hộ thoát nghèo, còn 152 hộ đang hưởng bảo trợ xã hội không còn khả năng thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 0,47% dân số.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn huyện tiếp tục được chú trọng, quan tâm, thực hiện có hiệu quả, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đất Đỏ, đây là kết quả của sự nỗ lực không ngơi nghỉ của địa phương trong thực hiện các giải pháp thiết thực giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Trong đó, huyện đã gắn công tác giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xã hội hoá công tác giảm nghèo bền vững và khơi dậy khát vọng tự thoát nghèo của người dân.
Về các giải pháp cụ thể, huyện Đất Đỏ đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn cho các hộ buôn bán nhỏ, hỗ trợ cây, con giống cho các hộ dân từ nguồn kinh phí quỹ vì người nghèo các cấp và từ nguồn vốn uỷ thác của ngân hàng chính sách xã hội huyện.
Thời gian qua, với phương châm “giảm tới đâu chắc tới đó, không để phát sinh hộ nghèo hoặc tái nghèo”, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Phước Hải đã triển khai hiệu quả mô hình Dân vận khéo “Trao sinh kế” cho hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam thị trấn Phước Hải cho biết: Từ đầu năm 2024, từ nguồn vốn vận động, địa phương đã hỗ trợ vốn cho 9 hộ gia đình có phương tiện sản xuất, buôn bán. Sau khi trao vốn, cán bộ Mặt trận thường xuyên quan tâm, thăm hỏi giúp người dân sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Trong khi đó, định kỳ hàng tháng, Hội liên hiệp phụ nữ thị trấn Đất Đỏ tổ chức “Phiên chợ tháng ăn 0 đồng” nhằm hỗ trợ 80 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Đến với phiên chợ, người dân mang những loại rau, hoa màu tự trồng tại gia đình đến phiện chợ đổi và lựa chọn những mặt hàng cần thiết phục vụ cuộc sống hàng ngày trong 1 tháng, như: Gạo, mì, trứng, nước chấm, gia vị và các loại rau củ quả.