Xã hội

Huyện Châu Đức: Giảm nghèo bền vững nhờ mô hình nuôi dê

Nguyễn Thanh 26/08/2024 - 19:34

Với địa hình thuận lợi, cùng nguồn thức ăn dồi dào, mô hình nuôi dê tại huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã và đang mang hại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

thang-8-chi-le-thi-hanh-xa-xuan-son-tung-buoc-thoat-ngheo-nho-nuoi-de.jpg
Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Châu Đức vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định nhờ nuôi dê

Ấm no nhờ nuôi dê

Trước kia, gia đình chị Nguyễn Thị Liên là một hộ nghèo của xã Bình Giã, huyện Châu Đức. Năm 2019, gia đình chị Liên được chính quyền xã hỗ trợ 4 con dê giống. Nhờ chăm chỉ chăm sóc, lại được Ngân hàng Chính sách huyện Châu Đức hỗ trợ vốn vay 30 triệu đồng để mở rộng chuồng trại, đến nay đàn dê của gia dình chị Liên đã phát triển trên 50 con. Hiện nay, nhờ bán dê thành phẩm, gia đình chị có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, chính thức thoát nghèo và từng bước có của ăn của để.

“Tôi thấy việc nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao, dễ chăm sóc, không phải tốn tiền mua thức ăn như nuôi heo, gà, trong khi đó lại dễ tiêu thụ sản phẩm, giá cả ổn định. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để tăng thu nhập, có cuộc sống tốt hơn nữa. Tôi rất cảm ơn các cấp chính quyền đã giúp gia đình tôi và các hộ dân khác được cấp dê giống, vốn vay” – chị Liên nói.

Ông Hồ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giã cho biết: Chúng tôi xác định phát triển chăn nuôi dê là giải pháp tối ưu để triển khai chương trình giảm nghèo bền vững. Vì xã có nhiều lợi thế, đây là vùng nông nghiệp nên có thể tận dụng cây trồng có sẵn để làm thức ăn cho dê giúp chăn nuôi thuận lợi, đàn dê phát triển bền vững. Trong khi đó, chu kỳ sinh sản của dê nhanh, dễ thu hồi vốn.

Đến nay, toàn xã Bình Giã có gần 30 hộ nuôi dê, ngoài hỗ trợ vốn, các hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi, làm chuồng trại, đảm bảo chuồng dê phát triển tốt. Từ một xã thuần nông, đời sống người dân nhiều khó khăn, xã Bình Giã trở thành điểm sáng của huyện Châu Đức trong thực hiện chương trình giảm nghèo, đời sống của người dân ngày một khấm khá. Đến cuối năm 2022, xã Bình Giã không còn hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh.

Ông Trần Đình Toàn, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức cho biết, mô hình nuôi dê được triển khai thử nghiệm tại 2 hộ nghèo đã cho hiệu quả cao. Đây là một trong những mô hình trọng điểm được huyện Châu Đức triển khai nhân rộng để giảm nghèo. Tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 3-4 con dê giống, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại.

Hiện nay, toàn huyện Châu Đức có hàng trăm hộ chăn nuôi dê với khoảng 80.000 con, quy mô được mở rộng tại 16/16 xã, thị trấn. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, tất cả những hộ tham gia mô hình nuôi dê đều đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

anh-1-cap-de-giong-cho-dong-bao-dtts(1).jpg
Tặng dê giống cho các hộ dân gặp khó khăn

Phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Châu Đức đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương, tỉnh về chính sách giảm nghèo. Đặc biệt, huyện Châu Đức đã chú trọng thiết kế và có các giải pháp thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, nhất là các giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình trao sinh kế bền vững.

Đơn cử, từ năm 2020, Ủy ban MTTQ xã Suối Nghệ chính thức triển khai mô hình “Nhân đôi con giống” hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, thay vì cấp 2 con dê cái, Ủy ban MTTQ xã vận động, hỗ trợ 4 con dê cái tới cho các hộ khó khăn. Khi 4 con dê này sinh sản (từ 4-6 con/lứa), MTTQ xã sẽ thu hồi lại 2 con dê cái, để tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ dê giống cho hộ khó khác gây dựng đàn dê, phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hoàn , Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Suối Nghệ cho biết, toàn bộ dê giống được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Theo đó, MTTQ xã sẽ bình xét các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có sinh kế ổn định để trao dê giống. Tất cả đều là dê đang trong thời kỳ chuẩn bị sinh sản, khỏe mạnh. Từ 28 con dê giống hỗ trợ ban đầu, giờ toàn xã đã phát triển nhanh chóng hàng trăm con và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Số lượng dê con càng nhiều thì mô hình sẽ được nhân rộng ra, thêm nhiều gia đình khó khăn sẽ được giúp đỡ.

Nhờ mô hình này và kết hợp với các chính sách hỗ trợ cây, con giống khác, đến hết năm 2023, xã Suối Nghệ đã giúp cho 18 hộ nghèo trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo, chính thức trở thành xã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh.

Được biết, mô hình “Nhân đôi con giống” tại xã Suối Nghệ chỉ là một trong rất nhiều mô hình giảm nghèo bền vững được huyện Châu Đức triển khai hiệu quả trong thời gian qua, trở thành một yếu tố quan trọng để địa phương này hoàn thành Chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Ông Hoàng Nguyên Dinh, Bí thư huyện ủy Châu Đức cho biết: Từ vùng đất nghèo với đa số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đến nay đã trở nên trù phú, xinh đẹp, diện mạo đô thị và nông thôn khởi sắc rõ nét. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/ năm. Đặc biệt, Châu Đức là một trong hai địa phương trong tỉnh về đích sớm nhất trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến năm 2023 trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Châu Đức: Giảm nghèo bền vững nhờ mô hình nuôi dê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO