(TN&MT) - Núi Cao Ba Lanh (tiếng người Dao gọi là Cao Mã Ninh) ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh đang sở hữu đàn đá kì bí có một không hai ở Việt Nam.
Đàn đá thần – bảo vật giữ biên thùy
Cao Ba Lanh là một dãy núi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, diện tích trên 400ha của tỉnh Quảng Ninh, bao gồm 3 đỉnh núi: Cao Ba Lanh Thượng, Trung và Hạ. Từ khu vực đỉnh dãy núi Cao Ba Lanh có thể quan sát được toàn bộ khu vực các bản Phai Làu, Sông Moóc, Khe Tiền, Cầm Hắc, Phạt Chỉ, Khu Chợ, Đồng Thắng và điểm thông quan xã Đồng Văn cùng khu vực bản Tràng Nhì, Hanh, Nà Kép của nước bạn Trung Quốc.
Cụ Dường Chống Hén gõ vào đàn đá thần.
“Đàn đá thần” ở đây được hình thành từ nhiều hòn đá lớn với hình thù kỳ quái, nhìn bốn hướng có bốn hình con vật khác được gắn với truyền thuyết chống giặc, cướp từ bên kia biên giới. Truyền thuyết kể rằng, đứng trên Cao Ba Lanh có thể quan sát được rõ động tĩnh của các thôn bản của cả hai phía biên giới. Vì vậy, những thôn bản bên Việt Nam dưới chân núi thường cử người lên đỉnh Cao Ba Lanh quan sát canh phòng. Mỗi khi quân giặc, cướp từ bên kia biên giới tràn sang với ý đồ cướp bóc, người canh gác có thể nhanh chóng thông báo cho người dân biết, bằng cách gõ vào đá trên núi, tạo ra tiếng kêu lớn như chuông đồng, vang đi rất xa.
Nhiều người kể lại rằng, mỗi khi giặc cướp từ bên kia biên giới tràn sang, người dân gõ vào những hòn đá lớn trên đỉnh núi, tiếng vang tựa hồ nước tạo thành tiếng của một quái vật to lớn, hung tợn, làm cho giặc cướp khiếp vía, hoảng loạn mà bỏ chạy.
Ngoài ra, cạnh đàn đá thần có đôi rùa đá đang chuẩn bị cho thời kì sinh sản, rùa đá mẹ mang đầy trứng trên người và hướng ra hồ nước lớn trước mặt. Cụ ông Dường Chống Hén, bản Cầm Hắc, tâm sự: Người dân tộc Dao, Tày ở Đồng Văn rất tôn thờ đàn đá thần và rùa đá. Ngoài ra, còn có tượng nhân sư trên đỉnh Cao Ba Lanh hàng ngày vẫn hướng về bản làng để bảo vệ dân làng, bảo vệ vùng đất thiêng liêng nơi biên cương của Tổ quốc. Chúng tôi xem đây là những bảo vật thiêng liêng của dân tộc mình và bất khả xâm phạm.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Núi Cao Ba Lanh hiện tại thuộc sự quản lí của Lâm trường 155 và Công ty CP Thương mại Bình Liêu (Công ty Bình Liêu). Để biến vùng đất cằn cỗi, xung quanh chỉ có núi đá vôi chót vót thành khu du lịch sinh thái, Lâm trường 155 đã trồng cây thông, các cây ăn quả… Ngoài ra, phải kể đến sự quyết tâm của Công ty Bình Liêu, thời gian qua đã mạnh dạn đầu tư hàng loạt những mục hạ tầng cơ sở như đường, điện, nhà, khu trang trại… và “cõng” gia súc, gia cầm lên núi chăn thả.
Hồ nước ngọt nhân tạo trên đỉnh Cao Ba Lanh.
Ban đầu là một vài chục con lợn rừng, bò, ngựa, dê, gà... sau đào ao nuôi cá nước ngọt ngay trên đỉnh núi. Những việc tưởng chừng khổng thể tin được, nhưng nay đang hiện hữu nơi đây. Ông La Tiến Hùng, chủ trang trại cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch khu vực này, ông đã tự thuê máy xúc, máy ủi để mở đường lên núi, tuy là đường đất nhưng đã mở được đường huyết mạch lên đỉnh Cao Ba Lanh để thu hút khách du lịch gần xa. Được biết, huyện Bình Liêu đã quyết định đầu tư 2,5km đường bê tông lên núi Cao Ba Lanh. Tổng chiều dài của cung đường khoảng gần 7km.
Để giữ nước ngọt cho chăn nuôi, ông Hùng đã quyết đầu tư xây dựng hồ nước ngọt ngay trên đỉnh núi, ban đầu hồ rộng hơn 1ha, nhưng do lượng nước mưa năm 2012 quá lớn, khiến bờ bao bị vỡ. Sau lần đó, ông quyết định chia nhỏ hồ thành 3 khu riêng biệt và thả cá nước ngọt. Anh Vi Văn Nghiệp, cán bộ Công ty Bình Liêu cho biết: Cá nuôi ở đây rất nhanh lớn, hầu như không chết bao giờ, có con nặng cả chục kg. Sắp tới, nếu lượng khách du lịch nhiều thì Công ty đã có chủ trương mở dịch vụ câu cá và phục vụ ăn uống tại chỗ. Ông Đặng Sinh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Do điều kiện kinh tế huyện còn nhiều khó khăn, chúng tôi rất tha thiết kêu gọi các doanh nghiệp về đây đầu tư, từng bước biến Cao Ba Lanh thành khu nghỉ dưỡng có sức thu hút khách du lịch.
Lê Doãn Xuân