Huy động trí tuệ chuyên gia trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước

Thủy Nguyễn| 11/03/2023 17:33

Ngày 11/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Kim Nhung, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh; đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.

img_9214.jpg
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiển phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, để chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, góp ý các quy định của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

img_9220.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Dự thảo 5 Luật Tài nguyên nước với 10 Chương với 88 Điều đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức góp ý và cơ bản bao trùm được các vấn đề quản lý nhà nước đối với Tài nguyên nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhằm hoàn thiện Dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước

Theo GS. TS. Vũ Minh Cát, Trường Đại học Thủy lợi, tại điều 79, khoản 2, Luật Tài nguyên nước sửa đổi quy định: Bộ Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

z4173136086334_41973477e0788987dde028b55d6558ce.jpg
GS. TS. Vũ Minh Cát, Trường Đại học Thủy lợi phát biểu tại Hội thảo

Trong khi tại Điều 56, Khoản 2, Luật Thủy lợi 2017 quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi với đầy đủ các nội dung từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển thủy lợi và cấp phép sử dụng. Hơn nữa, theo nội dung của Điều 56 Luật Thủy lợi thì việc quản lý nhà nước về thủy lợi cũng bao gồm những nhiệm vụ mà Điều 79 của Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã nêu và dường như phạm vi bao trùm cả Luật Thủy lợi.

Cùng nội dung quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý nhà nước các hồ chứa thủy điện; Bộ Xây dựng quản lý nước cho đô thị, Bộ Giao thông quản lý hoạt động của các phương tiện thủy trên sông, …

Vì vậy, GS.TS Vũ Minh Cát đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét một cách đầy đủ, làm rõ, phân định cụ thể chức năng quản lý nhà nước của mỗi Bộ, ngành trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để tránh chồng chéo dẫn tới giảm hiệu quản lý nhà nước giữa các Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, theo GS. TS. Vũ Minh Cát, việc quản lý theo lưu vực sông hay quản lý theo hệ thống công trình thủy lợi là phương thức quản lý theo hướng tiếp cận hiện đại của thế giới hiện nay vì nguồn nước hình thành trọn vẹn trên một lưu vực sông nên việc đánh giá về số lượng và chất lượng sẽ chính xác và đầy đủ nhất theo phạm vi khép kín đó.

Phạm vi không gian của lưu vực sông không trùng khớp với địa giới hành chính của các tỉnh. Thông thường chiến lược phát triển kinh tế xã hội được xây dựng theo tỉnh và nhu cầu nước và các vấn đề liên quan tới quy hoach, điều tra, khai thác, sử dụng, bảo tồn và phát triển cho các tỉnh cũng khác nhau do cơ cấu của các loại hình và hoạt động kinh tế đặc thù của tỉnh. Nếu như không có sự thống nhất quản lý theo lưu vực sông, sẽ xảy ra mâu thuẫn trong việc khai thác, sử dụng nước giữa các tỉnh. Chính vì vậy, PGS.TS Vũ Minh Cát cho rằng, vấn đề thành lập các ban quan lý lưu vực sông là một trong các nhiệm vụ cấp thiết cần được xem xét đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Hoàn thiện quy định về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, để hoàn thiện quy định về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước phải làm rõ 3 cụm từ “ sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước”, “ Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước” và “Sử dụng tuần hoàn tài nguyên nước” để đảm bảo tính đầy đủ và áp dụng thực tiễn sát thực.

110320231105-z4173099047616_6c08c1a04fbf7aae9429117587c8328e.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, trong quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có nội dung tuần hoàn nước, cũng như vậy đối với các quy định cho sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và sử dụng mục đích khác thiếu nội dung khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh thể chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” về cơ bản do nhu cầu thị trường chi phối, hiệu quả tài nguyên nước là sự cân đối giữa cung và cầu về tài nguyên nước, tiết kiệm tài nguyên nước phụ thuộc vào công nghệ, còn tuần hoàn tài nguyên nước cũng phụ thuộc vào công nghệ và thị trường. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đề xuất cơ quan soạn thảo khi xây dựng, thiết kế các điều khoản của dự thảo Luật cần chú ý tới yếu tố này.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, bà Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, một trong những vấn đề đã được đề cập đến trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đang rất được quan tâm đó là bảo đảm an ninh nguồn nước và tuần hoàn tái sử dụng nước, thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn tài nguyên. Tuần hoàn tài nguyên nói chung và tài nguyên nước nói riêng được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên, lĩnh vực tuần hoàn tài nguyên nước chưa được đưa ra hoặc chưa đề cập sâu trong các dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cho đến hiện tại. Do vậy, dẫn đến nhiều rào cản trong việc áp dụng tái sử dụng nước trong các lĩnh vực khác nhau.

z4173130139382_a58a8bc052efed87d16153bcc11995fe.jpg
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Mặt khác, hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy tuần hoàn tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam. Do đó, bà Hoàng Thị Thu Hương đề xuất ban soạn thảo cần đặt vấn đề tái sử dụng nước trong Luật sửa đổi, trong đó tại Mục 1 của Luật cần đưa ra định nghĩa về các khái niệm tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước, để từng bước hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả thì cũng cần có các nội dung về các biện pháp, các ưu đãi, phát triển khoa học công nghệ liên quan đến việc tuần hoàn tái sử dụng nước...

Quản lý, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả và bền vững

Góp ý vào nội dung nêu tại Chương IV của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) về “Điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước“, PGS.TS. Hoàng Thu Hương, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, liên quan đến chế định quy định về điều hòa phân bổ tài nguyên nước trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, Luật Tài nguyên nước 2012 và dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã nêu khá đầy đủ.

Trong dự thảo đã đề cập đến việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại điều 43. Điều này đặt ra trong bối cảnh có nhiều vùng ở trong tình trạng có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức. Trong Chương III của dự thảo về Bảo vệ nguồn nước có đề cập đến bảo vệ nguồn nước ngầm ở Điều 29. Ngưỡng khai thác nước dưới đất và Điều 33. Bảo vệ nguồn nước dưới đất vẫn tập trung vào các quy hoạch khai thác hợp lý. Hiện nay việc suy giảm mực nước dưới đất đã dẫn đến hệ quả là hạn chế nguồn bổ cập cho hệ thống nước mặt đặc biệt là các hồ ở vùng đô thị. Một trong những nguyên nhân quan trọng là việc bê tông hóa bề mặt đã ngăn cản bổ cập tự nhiên nước mưa, gây “hạn” trong long đất, sụt lún …

“Để duy trì khai thác nước dưới đất cần có điều khoản để bảo vệ việc bổ sung tự nhiên nước dưới đất, thu nước mưa trên bề mặt, hạn chế bê tông hóa hoàn toàn bề mặt, dẫn đến việc nước mưa không thể tiếp cận ngấm xuống mặt đất” - PGS.TS. Hoàng Thu Hương đề nghị.

z4173130104291_44aa7d6e114d60b3ca1cd3573b85fbe3.jpg
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý tại Hội thảo

Góp ý vào Chương V về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cho rằng, tại Khoản 1, Điều 63: “Nhà nước đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình trữ nước, tìm kiếm nguồn nước để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước; xây mới, cải tạo, phục hồi các hồ, ao có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng chống ngập lụt”.

Trong thực tế, ngoài các hồ, ao có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng chống ngập nước còn có các công trình khác, như các công trình lỗ khoan, hố đào, kênh mương… thu gom nước mưa chống ngập úng ở các đô thị. Vì vậy, để phản ánh đầy đủ các công trình liên quan trong nội dung này, PGS.TS Nguyễn Văn Lâm đề xuất cơ quan soạn thảo nên bổ sung nội dung nhiễm mặn nguồn nước; xây mới, cải tạo, phục hồi các hồ chứa, ao và các công trình có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng chống ngập lụt.

Cùng với đó, hiện nay trong thực tế, ngoài việc khai thác nước dưới đất quá mức, không có quy hoạch hợp hợp lý còn có tình trạng khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản ở khu vực ven biển cũng gây tình trạng xâm nhập mặn nước dưới đất, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Lâm đề xuất, tại Khoản 2, Điều 64 cần được điều chỉnh và bổ sung thêm việc thăm dò, khai thác nước dưới đất, khai thác khoáng sản và nuôi trồng thủy sản ở vùng đồng bằng, ven biển phải đảm bảo phòng, chống xâm nhập mặn cho các tầng chứa nước dưới đất.

110320231138-z4173216272606_67f296279071f94e293eb998eb57917e.jpg
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra, trên tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ động tiếp cận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) ngay từ đầu. Hiện nay, Dự thảo lần 5 là dự thảo chính thức sẽ được trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 (tháng 03/2023).

Nhấn mạnh đây là dự án Luật mang tính chuyên ngành, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cử tri, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn lưu ý, cơ quan soạn thảo bên cạnh việc tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn đã được thông qua, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu các ý kiến góp ý liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh; Áp dụng Luật Tài nguyên nước và các luật có liên quan; Quy hoạch tài nguyên nước; Quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước;…

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, đây sẽ là nguồn thông tin khoa học quý báu, giúp cho cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động trí tuệ chuyên gia trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO