Huy động mọi lực lượng, ứng cứu khẩn trương nhất sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3

Theo Chinhphu.vn | 13/10/2020 18:04

“Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, nhiều người còn mất liên lạc, nguy cơ bị vùi lấp. Vì vậy, yêu cầu công tác tìm kiếm cứu nạn phải hết sức khẩn trương, cấp bách”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Chiều nay, 13/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có mặt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế để kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng vừa quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ để tập trung ứng phó thiên tai.

Ngay sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Phú Bài, Phó Thủ tướng và đoàn công tác tiếp tục di chuyển bằng ô tô về khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Cùng đi với đoàn công tác có Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ.
 

Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Doãn Anh (bìa trái) báo cáo tình hình với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, chiều 13/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết

Theo phóng viên Báo điện tử Chính phủ tháp tùng đoàn công tác, phát biểu tại cuộc làm việc ngay sau đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những ngày qua, các tỉnh miền Trung, nhất là Thừa Thiên - Huế đã phải hứng chịu đợt mưa lũ đặc biệt lớn (nhiều nơi mưa trên 2.000mm trong 1 tuần qua, bằng gần 50% tổng lượng mưa cả năm); lũ trên một số sống vượt mức lũ lịch sử năm 1999.

Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Ngày hôm qua, đã xảy ra sự cố sạt lở đất tại khu vực Trạm Quản lý bảo vệ rừng 67 và khu vực thủy điện Rào Trăng 3 làm nhiều người tại thủy điện Rào Trăng 3 và 13 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đi cứu hộ cứu nạn và gặp nạn (có thể bị đất đá sạt lở vùi lấp).

Sáng 13/10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn cán bộ chiến sĩ và công nhân tại khu vực Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 đã lập Sở chỉ huy tiền phương. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện nêu trên và các chỉ đạo liên quan.

“Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, nhiều người còn mất liên lạc, nguy cơ bị vùi lấp. Vì vậy, yêu cầu công tác tìm kiếm cứu nạn phải hết sức khẩn trương, cấp bách”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Quốc phòng (trực tiếp là Quân khu 4) và các cơ quan tập trung chỉ đạo, cấp bách triển khai lực lượng để tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân với phương châm tiếp cận nhanh nhất, ứng cứu khẩn trương nhất. Đồng thời cần lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Để làm tốt công tác hiệp đồng, phối hợp triển khai tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chung công tác tìm kiếm cứu nạn, đồng chí Tư lệnh Quân khu 4 trực tiếp đề xuất và trực tiếp chỉ đạo triển khai phương án tìm kiếm cứu nạn cụ thể.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo nhanh về tình hình ứng phó mưa lũ, cứu hộ cứu nạn với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết, có thể, bằng mọi biện pháp năm tình hình, tiếp cận nhanh nhất khu vực có người bị nạn.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đưa lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương tập trung khắc phục sạt lở, thông tuyến giao thông để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn (khắc phục ngay các vị trí sạt lở, các ngầm tràn).

UBND tỉnh phân công người phát ngôn, hàng ngày cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình, tiến độ cứu nạn và các vấn đề khác có liên quan đến công tác cứu nạn cho cơ quan thông tin báo chí.

Phó Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những mất mát, lo âu của các gia đình có người đang bị mất tích, bị chết do thiên tai. “Chính phủ làm hết sức mình chỉ đạo các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nhanh nhất, hiệu quả nhất để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo tập trung quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, lãnh đạo Quân khu 4, các đơn vị liên quan và người dân trong việc ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đề nghị các lực lượng tập trung hoàn thiện các phương án cứu hộ cứu nạn đã đề ra, Phó Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ cần tập trung số 1 hiện nay là tìm kiếm cứu nạn để tìm được người mất tích, cấp cứu được người sống sót. Cùng với đó, hỗ trợ những người còn đang khó khăn để người dân không bị đói rét, không bị bệnh, không ở cảnh màn trời chiếu đất. Chủ động để đảm bảo vệ sinh môi trường khi nước rút và nước uống cho người dân, không để người dân thiếu nước uống, không để dịch bệnh bùng phát.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý về công tác ứng phó với bão số 7 đang tiến nhanh vào đất liền với vùng ảnh hưởng bão rất rộng. “Lần này, sạt lở đất đã xảy ra với hậu quả rất nặng nề, đặc biệt nghiêm trọng, nên chúng ta không thể chủ quan”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu tiếp tục rà soát tất cả khu vực có thể bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán dân. Đảm bảo an toàn các hồ đập.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo Phó Thủ tướng và Đoàn công tác tại hiện trường, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết và khối lượng đất đá sạt lở rất lớn. Bộ đội công binh đang dùng mọi phương tiện để mở đường vào khu vực Nhà máy thủy điện.
 

Phó Thủ tướng động viên các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Sau khi thị sát hiện trường, Phó Thủ tướng đã cùng các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã có cuộc họp khẩn ở Sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế).
 
 
Ảnh VGP
Phó Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp khẩn với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Còn 2 nhà máy thuỷ điện khác bị cô lập

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có báo cáo nhanh thông tin liên quan đến các nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 4,  A Lin B1, A Lin B2 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Từ chiều 12/10, sau khi tiếp nhận thông tin về sự cố sạt lở nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, Văn phòng Ban Chỉ huy và Đài thông tin duyên hải Huế đã cố gắng kết nối liên tục với nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 4 bằng hệ thống vô tuyến nhưng không bắt được liên lạc.

Đến 14h ngày 13/10, Đài thông tin duyên hải Huế đã kết nối được qua hệ thống vô tuyến với nhà máy thuỷ điện, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng kết nối cùng tầng số với 2 đơn vị trên cho biết: Hiện nay, công nhân nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 4 đều an toàn, nhưng bị cô lập, hiện lương thực chỉ còn dùng đủ 1 ngày; 40 công nhân từ nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 đã di chuyển bằng đường rừng đến nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 4; đường đi đến khu vực nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải đi bằng đường thuỷ nhưng nước chảy xiết.

Trong khi đó, nhà máy thuỷ điện A Lin B2 bị cô lập, hiện chưa có thông tin gì từ nhà máy này.

Còn kỹ sư, công nhân nhà máy thuỷ điện A Lin B1 đã di chuyển đến huyện A Lưới qua đường Hồ Chí Minh, xác nhận tất cả công nhân A Lin B1 an toàn.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục liên lạc thường xuyên với các nhà máy thuỷ điện trên để nắm tình hình.

Phó Thủ tướng động viên cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại cuộc họp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trưa 13/10, tại Ban Chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương đặt ở trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế), lãnh đạo Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai các phương án để sớm tiếp cận hiện trường vụ lở đất.
 
Tính toán phương án di chuyển, cứu hộ cứu nạn.

Theo TTXVN, các phương án tiếp cận mục tiêu được lựa chọn là đi theo tuyến đường 71 với phương tiện là xe cơ giới chở lực lượng công binh với mục tiêu mở đường vào vị trí cứu hộ; còn trên tuyến đường thủy thì đi từ Nhà máy thủy điện Hương Điền với 2 xuồng cao tốc. Phương án sử dụng thêm máy bay trực thăng để khảo sát và cứu hộ cũng đang được nghiên cứu.

Lực lượng chức năng đã huy động 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ. 
Nhiều vùng rộng lớn tại Thừa Thiên -Huế vẫn đang ngập sâu. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng liên tiếp ban hành công điện ứng phó bão lũ

Trước đó, được tin mưa lũ đã gây sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Tiểu khu 67 và công trình thủy điện Rào Trăng 3 thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn và người của công trường thuỷ điện bị vùi lấp, trong Công điện ngày 13/10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tư lệnh Quân khu 4 khẩn trương tập trung chỉ đạo các lực lượng, phương tiện cần thiết, phù hợp để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn kịp thời các nạn nhân bị vùi lấp; lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện và khẩn trương khắc phục sự cố.

2. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi, kể cả các công trình đang thi công, có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người, tài sản nhà nước và nhân dân trên địa bàn.

Lực lượng chức năng đang tiếp tục công tác cứu trợ, sơ tán người dân tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đây là Công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về công tác ứng phó trong đợt bão lũ đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung. 

Ngày 12/10,  Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1393/CĐ-TTg ngày 12/10/2020 gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và các Bộ, ngành liên quan đề nghị tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện 1384/CĐ-TTg ngày 9/10 về việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên bị mất tích, mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt tỉnh Quảng Trị; Công điện số 1732/CĐ-TTg ngày 8/10 về việc tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung.

Xe múc được điều đến hiện trường phục vụ công việc cứu nạn cứu hộ tại Trạm kiểm lâm số 7. - Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Huy động phương tiện, lực lượng mở đường tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trưa ngày 12/10, một lãnh đạo tỉnh nhận được điện thoại của người dân báo tin việc Thủy điện Rào Trăng 3 bị sự cố sạt lở, có ảnh hưởng đến người cần tỉnh giúp đỡ. Cuộc gọi bị gián đoạn giữa chừng do mất sóng. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 đã ngay lập tức cử lực lượng đến hiện trường để kiểm tra, cứu hộ. 

Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên sông Rào Trăng, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; được cấp phép đầu tư vào đầu tháng 11/2008, có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. 

Hiện tại, một số chiến sĩ, cán bộ trong đoàn cứu hộ đang mất liên lạc. 

Theo báo Thừa Thiên –Huế, sáng 13/10, tại xã Phong Xuân (Phong Điền), Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Doãn Anh có có cuộc họp bàn phương án tiếp cận, cứu hộ cứu nạn những người mắc kẹt tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu, Chủ tịch UND tỉnh Phan Ngọc Thọ, đại diện lãnh đạo Quân khu 4 và các lực lượng họp bàn phương án tiếp cận, cứu hộ, cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3. - Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế

Theo ghi nhận hiện trường và nhận định của đoàn công tác, do trời mưa lớn nên tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 20km, có hơn 10 điểm sạt lở lớn, 4 con suối nước chảy siết, thời tiết xấu dẫn đến việc tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn. Đoàn công tác đã gọi điện báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trước mắt, tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện chuyên dụng xe múc, xe cẩu mở đường tiếp cận khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Đồng thời, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, y tế nhằm đảm bảo cho công tác cứu hộ cứu nạn. Công an tỉnh cũng đã điều 3 xe và lực lượng phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ đến hiện trường. Hàng chục cán bộ chiến sĩ cũng đã lên đường.

Đến 10h30, các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường do lượng đất đá sạt lở là rất lớn cộng thêm nước suối dâng cao.

Cũng trong sáng 13/10, nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Quân khu 4, nhiều cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 đã tham gia làm nhiệm vụ tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.

Được biết, Lữ đoàn Công binh 414 là đơn vị chủ công của Quân khu 4 trong nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Luôn xác định phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội công binh trong thời bình. Vì vậy, thời gian qua, lữ đoàn thường xuyên quán triệt nghiêm các văn bản của cấp trên; nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết; xây dựng kế hoạch, luyện tập thuần thục các phương án, sẵn sàng cơ động lực lượng, trang bị, phương tiện để xử lý tốt các tình huống xảy ra.

Tham gia đợt cứu hộ, cứu nạn lần này, lữ đoàn đã đưa lực lượng cùng những phương tiện, trang bị, khí tài hiện đại nhất có thể cứu hộ, cứu nạn trong nhiều tình huống phức tạp, điều kiện khắc nghiệt như thiên tai, thảm họa, tai nạn...
 

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế di dời người dân thôn đến nơi tránh trú an toàn. 
 
Thừa Thiên - Huế hoãn tổ chức Đại hội

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Hoàng Khánh Hùng, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh do tình hình lụt bão diễn biến phức tạp, tại các huyện tình hình ngập lụt đang còn chia cắt nhiều địa bàn, đặc biệt trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3 nên tỉnh phải tập trung chủ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã có xin ý kiến Trung ương và thống nhất tạm hoãn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ quyết định thời gian tổ chức Đại hội khi có sự đồng ý của Bộ Chính trị.

Ngày 13/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa lũ những ngày qua đã khiến 6 người thiệt mạng, 3 người mất tích và 7 người bị thương.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng thấp suy yếu từ cơn bão số 6 và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 7 nên tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to, mưa rất to trên diện rộng. Lúc 7h ngày 13/10, mực nước trên sông Hương, tại Kim Long là +3,13 m dưới báo động III là 0,37m; trên sông Bồ, tại Phú Ốc là +4,99 m trên báo động III là 0,49m.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến 9 giờ ngày 13/10, mưa lũ trên địa bàn đã làm một nhà sập; 10 nhà hư hỏng và 84.963 nhà bị ngập lụt từ 1 – 2,5m, một số nơi cao hơn. Các địa phương bị ngập nặng gồm: thị xã Hương Trà với 19.090 nhà; huyện Quảng Điền với 16.228 nhà; huyện Phong Điền và huyện Phú Vang với 20.195 nhà. Hầu hết các tuyến đường tỉnh, đường huyện đã ngập sâu, tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại.
 
Nhiều vùng rộng lớn tại Thừa Thiên -Huế vẫn đang ngập sâu. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài ra, hơn 332 hecta hoa màu, 150 hecta sắn, 1 hecta cây ăn quả, 10 hecta đất trồng hoa và 10.000 chậu hoa các loại bị hư hại. Tại huyện Phú Vang, do mực nước triều dâng cao cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên toàn bộ diện tích hồ nuôi trồng thủy sản cao triều, hạ triều đều bị ngập hoàn toàn trong nước với diện tích 1.465 hecta. Các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn. Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và một số khu vực thành phố Huế bị mất điện hoàn toàn.

Các lực lượng chức năng đã di dời, sơ tán tại chỗ 11.645 hộ dân với 35.530 nhân khẩu trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài hỗ trợ khẩn cấp của các địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo xuất cấp từ nguồn dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho hộ di dời phòng tránh mưa lũ trên địa bàn các huyện và thị xã 25.000 thùng mì tôm. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã đến thăm và hỗ trợ 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo cho đồng bào bị lũ lụt, của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Diễn biến mưa lũ còn phức tạp và kéo dài, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Tờ trình số 9227/TTr-UBND ngày 12/10/2020 đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo; 2 tấn lương khô, 10.000 thùng mỳ ăn liền; 20 tấn hóa chất Benkocid và một số vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn. 

Thanh Hóa kêu gọi 6.745 phương tiện tránh trú bão an toàn

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 12 giờ ngày 13/10, Thanh Hóa đã kêu gọi 6.745 phương tiện với 24.535 lao động vào các nơi tránh trú bão an toàn; còn 466 phương tiện với 2.081 lao động đang hoạt động ở các vùng biển khác cũng đã nhận được thông tin về cơn bão và đang tìm về nơi tránh trú bão cũng như thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 (bão NANGKA) tăng cường thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Các địa phương tích cực theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện cũng như sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Hiện tại tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ đập lớn nhỏ nhưng việc kiểm tra cho thấy, có tới 78 hồ chứa không đảm bảo an toàn. UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt là tại các trọng điểm xung yếu về đê điều, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công dở dang...

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đến từng nhà giúp người dân tránh lũ. Ảnh: VGP

Quảng Trị: Lũ xuống chậm, tập trung cứu trợ người dân

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, sáng 13/10, lũ trên các sông, nhất là sông Thạch Hãn và Ô Lâu đang xuống chậm sau khi đạt đỉnh trên báo động 3.

Hiện nay, ngập lụt vẫn diễn ra trên diện rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là ở vùng “rốn lũ” hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng nằm dọc theo sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu. Chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân tập trung cứu trợ người dân ở những địa bàn bị cô lập, trong đó ưu tiên cho công tác di dời, cấp phát mì ăn liền và nước uống đóng chai.

Công tác khắc phục sạt lở trên nhiều tuyến đường ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa cũng được thực hiện với tinh thần khẩn trương nhất. Mưa lớn những ngày qua khiến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn quan huyện miền núi Đakrông bị sạt lở tại Km252, Km255, Km267, Km273. Đặc biệt, tuyến đường Quốc lộ 9 bị sạt lở, sụt lún nhiều vị trí, trong đó nghiêm trọng nhất là tại Km50+150 bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn, gây tắc giao thông từ thành phố Đông Hà đi các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Lực lượng chức năng đã huy động nhiều phương tiện để khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất, đồng thời ứng trực 24/24 giờ, cảnh báo người và phương tiện không qua lại để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, đường vào trung tâm nhiều xã của huyện Đakrông như: A Vao, Ba Nang, Ba Lòng, A Bung, Tà Long… cũng bị chia cắt do bị ngập lụt và sạt lở ở nhiều vị trí. Tương tự, nhiều tuyến đường liên xã ở huyện Hướng Hóa cũng bị sạt lở như: Hướng Phùng - Hướng Sơn, Hướng Tân - Hướng Linh - Hướng Lập.

Từ ngày 6 đến sáng 13/10, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phổ biến từ 800 – 1.200mm. Mưa lũ ở Quảng Trị đã làm 8 người chết, 5 người mất tích và 3 người bị thương. Toàn tỉnh có gần 41.000 hộ với trên 125.000 người ở hầu khắp các huyện, thị và thành phố bị ảnh hưởng do ngập lụt. Lũ lớn khiến tỉnh phải di dời trên 8.200 hộ với hơn 25.000 người ở vùng ngập sâu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Về nông nghiệp, có gần 800 ha ao hồ nuôi thủy sản, trên 1.200 ha rau màu bị ngập lụt hầu như mất trắng. Hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Để ứng phó với mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương hỗ trợ về vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn gồm: 2 xe lội nước, 27 xuồng các loại, 2.000 phao cứu sinh, 2.000 áo phao cứu sinh, 100 bè cứu sinh. Đồng thời hỗ trợ hóa chất tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh gồm: 10 tấn hóa chất Benkocid, 2 tấn Chloramin B 9.000.000 viên khử khuẩn nước Aquatabs.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 lập Sở chỉ huy tiền phương

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp chỉ đạo và có Công điện số 24/CĐ-TW gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các Bộ, ngành liên quan để chủ động ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa lũ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ đã gây ngập lụt hầu hết các địa phương các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 trực tiếp chỉ huy.

Sở chỉ huy tiền phương được thành lập từ 17 giờ ngày 11/10, có nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình mưa lũ; chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. 

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 duy trì 8.574 người (Bộ đội: 1.580, Dân quân: 6.994), 88 ô tô các loại và 172 tàu, xuồng phối hợp với các lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả mưa lũ.

Sáng 12/10, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 đã trực tiếp thị sát các khu vực xung yếu, ngập nặng, bị chia cắt ở huyện Phong Điền; yêu cầu các đơn vị LLVT trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhanh chóng có các biện pháp hỗ trợ, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; cứu trợ lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân ở những vùng bị chia cắt, không để người dân đói rét... 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng đoàn công tác thị sát tình hình mưa bão ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: QĐND

Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh rút ngắn để đối phó bão

Theo thông báo mới nhất từ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ diễn ra trong 3 ngày thay vì 4 ngày như trước.

Theo Thông báo số 1360-TB/TU ngày 12/10 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, do tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, cần phải tập trung lãnh đạo tổ chức tốt đại hội, đồng thời phải lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống mưa lũ và các nhiệm vụ quan trọng khác, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trong 3 ngày, từ 13h30 chiều 14/10 và bế mạc vào 17h ngày 16/10.

Trước đó, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX dự kiến diễn ra trong 4 ngày, từ chiều 14/10 đến trưa 17/10/2020.

Tin bão khẩn cấp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 07 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 07 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Ở khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m.

Hiện nay (13/10), ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, lượng mưa trong 24 giờ vừa qua (tính từ 07h00 ngày 12/10 đến 07h00 ngày 13/10) phổ biến khoảng 100-300mm, có nơi trên 300mm như Hồ Thọ Sơn 364mm (Thừa Thiên Huế), Hồ Chứa Nước Khe Ngang (Thừa Thiên Huế) 345mm, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) 332mm, A Vào (Quảng Trị) 323mm,…

Dự báo: Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ nối với bão sô 7 kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên ngày hôm nay (13/10), ở các tỉnh Trung Trung Bộ còn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 20-50mm, có nơi trên 70mm; riêng ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khoảng từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ đêm nay mưa giảm dần.

Cảnh báo: Từ ngày mai (14/10) đến ngày 16/10, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động mọi lực lượng, ứng cứu khẩn trương nhất sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO