Huy động hiệu quả sức mạnh tổng thể điều tra khoáng sản vùng Tây Bắc

Mai Đan| 25/01/2021 13:19

(TN&MT) - Qua 3 năm triển khai thi công thực địa Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”, đến nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc của Đề án với những kết quả đáng ghi nhận về địa chất, khoáng sản.

Huy động sức mạnh của toàn bộ cán bộ kỹ thuật

Sáng 25/1 tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Đây là đề án tổng thể huy động sức mạnh toàn bộ của các cán bộ kĩ thuật về địa chất và khoáng sản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng như các đơn vị có liên quan. Đề án điều tra tổng thể tất cả các loại khoáng sản theo từng chuyên ngành với mục tiêu là làm rõ tiềm năng khoáng sản khu vực. Bên cạnh đó, mục tiêu quan trọng của đề án là xác định 1 số điểm, nhiều trục điểm diện tích có triển vọng đánh giá đưa vào thăm dò, khai thác khoáng sản.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại hội nghị

Theo Thứ trưởng, 3 năm là khoảng thời gian đủ để nhìn lại những công việc đã làm tốt, chưa tốt và những việc cần điều chỉnh, kể cả trong công tác quản lý, phân công công việc, tiến hành điều tra…

“Những góp ý, thảo luận của các nhà quản lý, chuyên gia ở nhiều góc độ khác nhau tại hội nghị này là tiền đề quan trọng để Tổng cục tiếp tục triển khai đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” trong năm 2021 với quy mô tương tự”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.

Ông Trần Mỹ Dũng – Vụ trưởng Vụ Địa chất cho biết: Tổng cục đã tổ chức triển khai thực hiện các đề án hợp lý theo kế hoạch, dự toán được phê duyệt hàng năm. Chất lượng thi công, thu thập và thành lập tài liệu kỹ thuật đảm bảo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật. Với mức đầu tư cho đến nay (khoảng 47,8% kinh phí được phê duyệt, tính riêng cho 2 nhóm nhiệm vụ Lập bản đồ địa chất khoáng sản 1:50.000 và Điều tra đánh giá khoáng sản), việc thi công đề án là rất hiệu quả, có triển vọng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án được Thủ tướng Chính phủ giao.

Phát huy hơn nữa hiệu quả của hệ thống thiết bị

Theo ông Trần Mỹ Dũng, đề án được chia thành nhóm các đề án thành phần gồm: nhóm lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000; nhóm các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản; nhóm các đề án khác và nhiệm vụ tổng hợp với tổng số là 26 đề án thành phần.

Về nhóm đề án lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, đến nay đã có 6/8 đề án cơ bản hoàn thành công tác thực địa, 2/8 đề án đã hoàn thành công tác lập báo cáo tổng kết. Đến hết năm 2020, hoàn thành 85% khối lượng các dạng công việc.

Ngoài việc hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản trên diện tích điều tra, đã có nhiều phát hiện địa chất có giá trị, nhiều điểm quặng, biểu hiện khoáng hóa. Trong đó một số điểm có triển vọng được xem xét chuyển sang đánh giá như: điểm đồng (vàng) Huổi Khan (Mường Nhé, Điện Biên - nhóm tờ Mường Toỏng); kaolin, felspat Nậm Khòa (Hoàng Su Phì, Hà Giang - nhóm tờ Hoàng Su Phì); barit Tin Tóc (Sơn La - nhóm tờ Sông Mã); kaolin Làng Vặn (Lang Chánh, Thanh Hóa - nhóm tờ Lang Chánh), vàng Tiến Thành (nhóm tờ Con Cuông 2)...

Ông Trần Mỹ Dũng – Vụ trưởng Vụ Địa chất báo cáo tổng thể kết quả đề án

Về nhóm đề án đánh giá khoáng sản, đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra, lập bản đồ hiện trạng của 13 đề án đánh giá khoáng sản đang triển khai thi công. Ngoài ra, có nhiều phát hiện khoáng sản có giá trị về đất hiếm, vàng, đồng, thiếc - wolfram và các khoáng chất công nghiệp (apatit, felspat, kaolin, thạch anh, quarzit, talc, vôi công nghiệp). Trong đó, một số khu vực có triển vọng đang được đánh giá xác định tài nguyên, có thể trở thành mỏ gồm: đất hiếm (1 khu vực); vàng (3 khu vực); thiếc - wolfram (3 khu vực); quặng apatit (3 khu vực); felspat (4 khu vực); kaolin (4 khu vực); thạch anh, quarzit (3 khu vực); talc (2 khu vực); đá mỹ nghệ (2 khu vực); vôi công nghiệp (5 khu vực).

Đồng thời, hoàn thành lập báo cáo kết quả đánh giá khoáng sản đối với 10 khu mỏ khoáng sản để đưa vào quy hoạch đấu giá thăm dò (talc 1 khu vực; felspat 4 khu vực, thạch anh 1 khu vực, apatit 3 khu vực, đá mỹ nghệ 1 khu vực).

Liên quan đến nhóm các đề án khác và nhiệm vụ tổng hợp, các nhóm đề án và nhiệm vụ này đang được triển khai theo đúng tiến độ phê duyệt. Trong đó, Đề án Bay đo từ, phổ gamma và trọng lực một số khu vực thuộc vùng Tây Bắc đã hoàn thành công tác đo từ - trọng lực mặt đất; Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản vùng Tây Bắc đã xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu để quản lý tài liệu các báo cáo địa chất; chuẩn hóa, biên tập chuyển đổi và nhập dữ liệu; cập nhật các thông tin chung, các sản phẩm thuyết minh phụ lục, bản vẽ cho các đề án thành phần.

Quang cảnh hội nghị

Theo ông Lại Mạnh Giàu, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý địa chất, công tác địa vật lý đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo khối lượng, chất lượng và tiến độ các đề án thành phần; xác định được cấu trúc địa chất khu vực nghiên cứu; phân chia các đối tượng địa chất khác nhau nhất là các đối tượng địa chất liên quan đến khoáng sản…

Ông Lại Mạnh Giàu cho rằng, hiện nay hệ thống thiết bị địa vật lý tại đơn vị khá đầy đủ và hiện đại đáp ứng tốt nhiệm vụ nghiên cứu địa chất và khoáng sản nhất là khoáng sản ẩn sâu; nghiên cứu địa chất thủy văn, địa chất công trình; tai biến địa chất; môi trường địa chất. Tuy nhiên, còn rất nhiều hệ phương pháp mới chưa được khai thác, chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu thử nghiệm, vì thế ông Lại Mạnh Giàu đề nghị cho phép điều chỉnh một số hạng mục công tác địa vật lý trong đề án để phát huy hiệu quả của hệ thống thiết bị…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động hiệu quả sức mạnh tổng thể điều tra khoáng sản vùng Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO