PV: Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện chỉ đạo này, Tổng cục đã có những hành động cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Văn Phấn:
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã liên tục rà soát, đề xuất để cải cách chính sách, pháp luật đất đai sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành. Cụ thể, đã tham mưu, trình Chính phủ hoặc phối hợp với các Bộ, ngành hoặc ban hành theo thẩm quyền kịp thời các văn bản hướng dẫn: Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định (trong đó có 11 Nghị định ban hành mới, 7 Nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 Nghị định ban hành thay thế); Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 văn bản quy phạm pháp luật; các Bộ, ngành đã ban hành 64 Thông tư, Thông tư liên tịch, trong đó Bộ đã chủ trì ban hành 39 Thông tư).
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) |
Về tổ chức thực hiện, Bộ, Tổng cục đã chỉ đạo các địa phương kiện toàn hệ thống đăng ký để minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu thực hiện quyền.
Cụ thể, về thủ tục hành chính đối với những địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai theo mô hình một cấp, các thủ tục hành chính về đất đai và tài sản gắn liền với đất đã giảm bớt khá lớn; quy trình cung cấp dịch vụ được minh bạch và trách nhiệm hơn, qua đó cải thiện sự tham gia và phản hồi tích cực từ các bên liên quan.
Ngoài ra, Tổng cục đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai nhằm tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai tập trung, thống nhất trong phạm vi cả nước.
PV: Như ông trao đổi, Văn phòng Đăng ký đất đai theo mô hình một cấp có vai trò hết sức quan trọng trong việc cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, ông đánh giá thế nào về hệ thống các Văn phòng này?
Ông Mai Văn Phấn:
Các Văn phòng Đăng ký đất đai đã từng bước chuyên nghiệp hóa, chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, bố trí nhân lực để xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp huyện, xã để bảo đảm sự thống nhất của hồ sơ địa chính.
Văn phòng Đăng ký đất đai hoạt động hiệu quả, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. |
Nhiều Văn phòng Đăng ký đất đai hoạt động hiệu quả, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; từng bước tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; minh bạch hóa các nguồn thu từ cung cấp dịch vụ và giảm thiểu hướng tới triệt tiêu các loại hình dịch vụ và nguồn thu phi chính tắc. Nguồn thu từ đất (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí do Văn phòng Đăng ký đất đai trực tiếp thu hoặc chuyển cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước để thu theo quy định) cho ngân sách Nhà nước liên tục tăng.
PV: Cơ sở dữ liệu đất đai là công cụ giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất, cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, xin ông cho biết việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở các địa phương và những định hướng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong thời gian tới?
Ông Mai Văn Phấn:
Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức kiện toàn Văn phòng Đăng ký đất đai là đơn vị được giao để vận hành, duy trì và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, tuy nhiên về tổng thể vẫn bị phân tán đến cấp tỉnh nên chưa đảm bảo tính tập trung và thống nhất giữa quyền lực kiểm tra, giám sát với vận hành khai thác như các ngành dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.
Theo tôi, để đảm bảo giữa mô hình cơ sở dữ liệu đất đai đã được thiết kế tập trung, thống nhất thì hệ thống bộ máy tổ chức để thực hiện việc quản trị, duy trì và khai thác cũng cần phải tập trung, thống nhất, tránh việc vận hành bị phân tán dẫn đến kém hiệu quả, do đó cần phải cải tiến mô hình tổ chức theo hình thức tập trung, thống nhất xuyên suốt để quản trị, vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai theo ngành dọc làm nền tảng để chuyển công tác quản lý theo mô hình Chính phủ điện tử.
Đối với những địa phương thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai theo mô hình một cấp, các thủ tục hành chính đã giảm từ 61 thủ tục xuống còn 42 thủ tục; thời gian giải quyết thủ tục đã được rút ngắn đáng kể từ 15 - 45% so với trước đây; số ngày giải quyết hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.
Đặc biệt, việc vướng mắc chủ yếu tập trung vào vốn đầu tư hệ thống, vấn đề về kinh phí là vấn đề lớn cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương: Đối với Trung ương, cần phân bổ ngân sách Trung ương đảm bảo cho các hoạt động quản lý, xây dựng, nâng cấp, duy trì vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương thực hiện; Đối với các địa phương, phải thực hiện trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai theo đúng quy định của pháp luật đất đai, nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này phải được lấy từ nguồn thu từ đất trước khi cân đối phân bổ cho các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, cần triển khai sớm việc huy động các nguồn lực theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để có thể huy động các tổ chức, doanh nghiệp nguồn lực về tài chính và công nghệ cùng tham gia xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!