Những đám tro bụi do núi Agung ở Bali phun trào đã làm gián đoạn các chuyến bay đến và đi từ sân bay của Bali vào tuần trước, khiến hàng nghìn hành khách mắc kẹt.
Các chuyến bay bắt đầu hoạt động khi sân bay mở cửa trở lại vào hôm 29/11, sau khi gió thổi bay tro bụi khỏi đường bay. Các hãng hàng không tư nhân tự đưa ra quyết định về việc có nên vận hành hay không.
Jetstar của Úc đã tiếp tục các chuyến bay vào ngày 4/12 trong khi Virgin Australia Holdings Ltd cho biết sẽ tiếp tục các chuyến bay vào ngày 5/12.
Tờ People's Daily cho biết mặc dù đã mở cửa một số dịch vụ nhưng giới chức hàng không Trung Quốc đã dừng tất cả các chuyến bay sau sự trở về của “chuyến bay thuê bao” cuối cùng hôm thứ Hai, nâng tổng số du khách Trung Quốc bị mắc kẹt được trở về lên 15.237 hành khách.
"Cơ quan hàng không Trung Quốc đã hủy tất cả các chuyến bay từ Bali đến các thành phố của Trung Quốc cho đến khi mối lo ngại từ tro bụi núi lửa chấm dứt” - tờ People's Daily nhấn mạnh.
China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã dừng các chuyến bay chở hành khách mới vào Bali hồi tuần trước và nói với Reuters rằng việc nối lại các chuyến bay còn phụ thuộc vào tình hình.
Núi lửa Agung được nhìn thấy từ Amed ở Karangasem Regency, Bali, Indonesia vào ngày 4/12/2017. Ảnh: Reuters / Darren Whiteside |
Hai hãng này từ chối đưa ra bình luận về thông báo của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC).
CAAC không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Hãng China Southern Airlines cung cấp các chuyến bay từ các thành phố Thẩm Quyến và Quảng Châu của Trung Quốc đến Bali cho biết trong một email: "Do hoạt động núi lửa trong khu vực, sân bay địa phương và các tuyến đường liên quan không thể bay nên các chuyến bay trên hai tuyến đường này đã bị hủy".
Theo thống kê, Trung Quốc đã vượt qua Úc trong năm nay khi lượt khách Trung Quốc đạt số lượng khách quốc tế lớn nhất đến Bali, chiếm khoảng 1/4 trong số 4,9 triệu lượt người đến Bali từ tháng 1 đến tháng 9.
Các hãng hàng không tránh bay qua tro bụi núi lửa vì nó có thể phá hủy động cơ máy bay, làm tắc nghẽn các hệ thống nhiên liệu và làm mát, cản trở tầm nhìn của phi công và thậm chí gây lỗi động cơ.
Purwo Nugroh, phát ngôn viên của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia cho biết trên Twitter rằng núi Agung không còn phun tro bụi nhưng vẫn còn khói trắng với độ cao 1.000 mét vào đầu ngày 4/12.
Mai Đan
Tổng hợp từ Reuters