Xã hội

Hút thuốc lá và bệnh tiểu đường: Những cảnh báo nguy hại

Mai Đan 15/11/2023 - 15:33

(TN&MT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) và Đại học Newcastle (Australia) vừa công bố một báo cáo cho thấy việc bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường (đái tháo đường) tuýp 2 tới 30-40%. Mặc dù đây không phải là số liệu mới nhưng nó nhấn mạnh tác động tiêu cực của việc hút thuốc đối với sức khỏe của mọi người nói chung và bệnh nhân mắc tiểu đường nói riêng, từ đó càng hối thúc họ từ bỏ hút thuốc lá.

IDF gửi thông điệp bỏ hút thuốc lá để giảm nguy cơ tiểu đường

IDF ước tính có 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường, con số này tiếp tục gia tăng khiến bệnh tiểu đường trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ 9 trên toàn cầu. Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất trên toàn thế giới, chiếm hơn 95% tổng số ca bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường tuýp 2 thường có thể phòng ngừa được.

Bỏ hút thuốc không chỉ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 mà còn cải thiện đáng kể việc quản lý và giảm nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường. Bằng chứng cho thấy hút thuốc ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu của cơ thể, có thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2.

Hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường như bệnh tim mạch, suy thận và mù lòa. Hút thuốc cũng làm chậm quá trình lành vết thương và làm tăng nguy cơ cắt cụt chi dưới, gây gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế.

breaking-cigarette-1000px-1132x700.jpg
Việc bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 tới 30-40%

“Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế khuyến khích mọi người ngừng hút thuốc để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tránh các biến chứng khi không may mắc bệnh tiểu đường. IDF cũng kêu gọi các chính phủ đưa ra các biện pháp chính sách nhằm ngăn chặn mọi người hút thuốc và loại bỏ khói thuốc lá tại tất cả các không gian công cộng”, Giáo sư Akhtar Hussain, Chủ tịch Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế cho biết.

Thông điệp của IDF rất rõ ràng: bỏ hút thuốc không chỉ giúp phổi và tim khỏe mạnh hơn; đó cũng là một giải pháp cụ thể nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc Bộ phận Xúc tiến Y tế của WHO cho biết: “Các chuyên gia y tế đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và hướng dẫn những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong hành trình cai thuốc lá. Đồng thời, các chính phủ phải thực hiện những giải pháp quan trọng để đảm bảo tất cả các khu vực công cộng trong nhà, nơi làm việc và phương tiện giao thông công cộng hoàn toàn không có khói thuốc. Những biện pháp can thiệp này là những biện pháp bảo vệ thiết yếu chống lại sự khởi phát và tiến triển của bệnh tiểu đường cũng như nhiều bệnh mãn tính khác”.

Người bệnh tiểu đường nên “nói không với thuốc lá”

Tại Việt Nam, các cơ quan y tế đã đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm kiểm soát, giảm biến chứng và gánh nặng chi phí y tế đối với bệnh tiểu đường. Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường, là một nhóm bệnh chuyển hóa thường gặp, do rối loạn chuyển hóa đường (carbohydrate) khi nội tiết tố (hormone) insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sự tăng đường huyết mạn tính.

Ngày nay, tiểu đường đã trở thành một căn bệnh khá phổ biến trong xã hội với độ tuổi mắc bệnh từ 18-56 tuổi. Theo thống kê trên thế giới, đến năm 2025 con số người mắc bệnh tiểu đường sẽ lên đến 330 triệu bệnh nhân.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 2. Hút thuốc lá càng nhiều, nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 càng cao. Người hút thuốc lá có khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 30-40% so với người không hút thuốc lá. Người bị tiểu đường (bất kể tuýp nào) khi hút thuốc lá đều kiểm soát đường huyết kém hơn so với người không hút thuốc lá. Bên cạnh đó, họ còn có nhiều nguy cơ bị các biến chứng của bệnh tiểu đường như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh thận mạn, bệnh lý mắt do đái tháo đường, bệnh lý thần kinh ngoại biên do tiểu đường, bệnh lý nhiễm trùng cao hơn so với người không hút thuốc lá.

Thuốc lá không chỉ có hại đối với bệnh nhân tiểu đường mà còn có hại đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi giới. Vì vậy, chúng ta cần phải kiên quyết nói không với khói thuốc lá để bảo vệ sức khỏe không chỉ cho chính bản thân mà còn cho những người thân yêu bên cạnh mình. Những người còn đang hút thuốc lá nên cố gắng cai thuốc lá. Không được hút thuốc ở những nơi bị cấm như bệnh viện trường học, nơi công cộng… Không hút thuốc lá gần trẻm em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người bệnh…

z2884436171033_8392322c79ad73603e7ec73234107825_9006c.jpg
Người bệnh tiểu đường nên “nói không với thuốc lá”

Tuy nhiên với thuốc lá là nguyên nhân gây rất nhiều vấn đề về sức khỏe thì người hút, nên cố gắng tìm hiểu về tác hại của thuốc lá, lợi ích khi cai được thuốc lá, để từ đó xây dựng ý chí và động lực cho bản thân trong việc bỏ hút thuốc lá. Trong quá trình cai thuốc lá, bạn có thể gặp nhiều khó khăn do hội chứng cai (cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu tập trung trong công việc, tăng cân,…) thì có thể liên hệ các cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ.

Theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, từ bỏ hút thuốc là một trong những mẹo giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với người không hút thuốc.

Cũng theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường 50% so với người không hút thuốc, đặc biệt ở nữ giới. Do đó, nên bỏ hút thuốc lá để phòng ngừa tiểu đường. Người bệnh tiểu đường không nên hút thuốc lá, hạn chế ở gần khu vực khói thuốc lá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hút thuốc lá và bệnh tiểu đường: Những cảnh báo nguy hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO