Hút thuốc lá dễ mắc COVID-19 hơn

Phương Anh | 31/05/2021 10:33

(TN&MT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, hút thuốc lá sẽ tăng nguy cơ nhiễm COVID-19, ngoài nguy cơ virut xâm nhập đường hô hấp, hành động hút thuốc như đưa tay lên miệng, sử dụng thuốc lá dạng nước, dùng chung ống hút thuốc lào, bình/vòi hút shisha là nguyên nhân lân lan SARS-CoV-2.

WHO đã chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2021, kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.

Covid-19 tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn

Tăng nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần

Thuốc lá hiện đang gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó, bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Cuộc chiến chống thuốc lá đã đến hồi không khoan nhượng. Từ một thói quen phổ biến, “biểu tượng” của trầm lắng - suy ngẫm và hoạt động trí tuệ, hút thuốc đã trở thành có hại, bị đa số lên án, cách ly và ruồng bỏ. Thuốc lá đang là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên thế giới, không dừng ở đó, khói thuốc lá ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.

WHO khuyến cáo hút thuốc lá, cũng như hút thuốc lá thụ động, làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần. Điều này là do Covid-19 tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn khi mắc Covid-19.

Tác hại của việc sử dụng thuốc lá đã được khẳng định rõ ràng. Thuốc lá gây ra cái chết cho 8 triệu người mỗi năm và khi tin tức được đưa ra rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng với COVID-19 so với những người không hút thuốc, nó đã khiến hàng triệu người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá. Bỏ thuốc lá có thể là một thách thức, đặc biệt là khi có thêm căng thẳng về kinh tế và xã hội do hậu quả của đại dịch. Trong số 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá trên toàn cầu, 60% bày tỏ mong muốn bỏ thuốc lá - nhưng chỉ 30% được tiếp cận với các công cụ giúp họ làm điều đó thành công.

Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới ở mức 45,3%, nữ 1,1%. Mỗi năm, có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.

Gần đây, nhiều người thôi hút thuốc lá mà chuyển sang hút thuốc lá điện tử với suy nghĩ thuốc lá điện tử không độc hại. Đó là suy nghĩ sai lầm, vì thuốc lá điện tử cũng rất độc hại, thậm chí gây nguy cơ ung thư gấp 15 lần thuốc lá thường.

Khó xử lý vi phạm vì đâu?

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Tuy nhiên, hiện nổi lên một số vấn đề liên quan tới việc thực thi quy định về các địa điểm cấm hút thuốc.

Bỏ thuốc lá có thể là một thách thức, đặc biệt là khi có thêm căng thẳng về kinh tế và xã hội do hậu quả của đại dịch

Nếu so sánh với Luật phòng chống tác hại của rượu bia, sẽ thấy có một sự khác biệt không hề nhỏ. Được Quốc hội Khóa XIV thông qua vào giữa năm 2019, chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia song hành với những chế tài mạnh của Nghị định 100 ngay từ những bước đầu tiên, từ đó tạo thành “bàn tay thép”, mạnh mẽ đẩy lùi vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông. Trong khi đó, cũng với tác hại chết người, nhưng khói thuốc chưa được ngăn chặn theo cách này. 

Từ những bước sải đầy dứt khoát của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia trong giao thông, soi chiếu trở lại Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, có thể thấy rõ vấn đề đang nằm ở quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ truyền thông, vận động. Luật đã ban hành, nhưng các văn bản dưới luật chưa đủ tạo ra công cụ để “nạn nhân” của khói thuốc lên tiếng trước chất độc chết người đang hàng ngày bủa vây họ.

Đơn cử, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, nhiều quy định mới về xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến việc mua, bán và sử dụng thuốc lá. Cụ thể, hành vi hút thuốc lá ở nơi cấm hút bị phạt 200.000 - 500.000 đồng; không treo bảng “Cấm hút thuốc” ở địa điểm cấm hút thuốc bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Cũng theo nghị định này, cửa hàng, đại lý bán lẻ thuốc lá không có bảng thông báo “Không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Đặc biệt, phạt từ 3 - 5 triệu đồng nếu bán hoặc cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Nếu vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; hoặc dùng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Điều 11 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm: bệnh viện, trạm y tế; trường học (trừ trường cao đẳng, học viện); nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra có 3 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm: Cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng. Ngoài ra, luật cũng cấm hoàn toàn hút thuốc lá trên máy bay, ôtô, tàu điện.

Luật có, quy định xử phạt có nhưng khó thức thi. Ghi nhận thực tế tại nhiều nơi công cộng, hút thuốc lá như một việc hiển nhiên, thậm chí trong các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trạm xe buýt...  dù hàng loạt bảng cấm hút thuốc được gắn nhưng nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc. Có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn tồn tại như là ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; việc cai nghiện thuốc lá không dễ dàng, người hút thuốc lá khó có thể bỏ thuốc được ngay; thuốc lá được bày bán công khai, ai cũng có thể dễ dàng mua được.

Trong khi đó, việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng không dễ bởi việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và người hút không cố định thời gian…  Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền lại thiếu lực lượng chuyên trách và không có các thiết bị nghiệp vụ được phép sử dụng làm cơ sở cho việc xử phạt, nên tình trạng trên diễn ra quá phổ biến.

Và khi hút hay không hút, ngăn hay không ngăn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự tự ý thức, tự điều chỉnh của các chủ thể liên quan, thì phản ứng của nạn nhân cũng chỉ là những tiếng nói yếu ớt, lọt thỏm giữa khói thuốc mịt mùng.

Chừng nào các đánh giá tổng kết về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn ghi nhận “chuyển biến tích cực” một cách cảm quan, e rằng, các giải pháp thực thi sẽ vẫn mơ hồ như làn khói thuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hút thuốc lá dễ mắc COVID-19 hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO