Còn nhớ cái hôm thành lập nông trường chè, nhiều cô gái trong xóm tôi rục rịch nộp đơn xin vào làm. Các chị háo hức lắm trước danh xưng công nhân và một công việc mới mẻ cũng như một tương lai mới đầy hy vọng sẽ mở ra trên chính nơi đã từng đạn cày bom xới.
Vùng đất trung du này thích hợp với cây chè nên chẳng bao lâu sau, nông trường chè Gò Loi đã cho ra những sản phẩm trà đầu tiên mà mức độ ngon của nó vượt ra ngoài cái huyện nửa núi nửa đồng này. Không chắc rằng nhiều người Hoài Ân hay Bình Định được thưởng thức thứ trà hảo hạng từ nông trường Gò Loi.
Ngày ấy, được uống một bình trà Gò Loi, nói như ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ là “sang chảnh” lắm, bởi vì cầu vượt xa cung. Nghe đâu thứ trà này còn được gởi ra cho tận ngoài Hà Nội, xếp thứ xếp hạng cùng với trà Thái nức tiếng. Cũng chẳng biết đâu là thứ bậc, chỉ thấy trên vùng đồi đất đỏ ngày nào, nơi mà chỉ mấy năm cách đây sặc mùi súng đạn giờ lại xanh ngát một đồi chè. Chiến tranh đã lùi xa nhường lại cho sự hồi sinh của vùng đất thuần nông. Những cánh đồng phì nhiêu dọc theo dòng chảy của con sông quê cứ bát ngát bốn mùa, những nương dâu lại tiếp tục xanh lá. Con người dần dịu đi những đau thương mà chiến tranh để lại và chỉ mong sao bắt kịp với nhịp phát triển của đất nước. Bao con người một nắng hai sương nơi đây quá quen thuộc với ruộng lúa, bờ tre, rẫy mì. Giờ được thấy cây công nghiệp đưa vào huyện nhà mà trồng thành nông trường kích thích sự tò mò chẳng những của lớp người lớn tuổi mà cả những đứa vừa mới lớn như chúng tôi. Giống chè được đưa từ ngoài Bắc vào hợp với thổ nhưỡng của vùng trung du cứ mơn mởn như những cô gái mười tám đôi mươi. Màu biêng biếc của những vòm xanh đập vào mắt của bất kỳ ai ngang qua con đường đất đỏ dẫn đến nông trường. Màu xanh đã phủ lên những chiến hào một thời bom đạn. Âm thanh reo vui trong gió của ngàn chè đã thay cho tiếng gầm thét của vũ khí chiến tranh mà Mỹ gieo rắc trên Gò Loi ngày nào.
Quy trình công nghệ sao chế khép kín và tiếng vang của những mẻ trà đầu tiên làm nhiều người muốn thử. Với tôi ngày ấy, trà Gò Loi, Thái Nguyên, Bàu Cạn hay Bảo Lộc đều... đắng nghét như nhau vì đã biết uống trà bao giờ đâu. Thấy ba mình và mấy ông bạn hàng xóm lôi ra trong túi áo gói trà được bao bọc nhiều lớp giấy báo để pha uống và gật gù khen ngon, tôi cũng mon men nhấp thử vì tiếng tăm của nó nhưng chẳng để lại ấn tượng gì ngoài vị chát ngắt.
Dù nông trường nổi tiếng này đã đi vào hoạt động nhiều năm, tôi vẫn chưa một lần được đặt chân đến và nhìn thấy tận mắt quy trình sao chế trà mà chỉ nghe qua lời kể của mấy cô công nhân trong xóm. Vì thiếu nhân công, nông trường huy động học sinh cấp ba đi hái chè. Lúc nghe cô hiệu trưởng thông báo lịch đi lao động ở Gò Loi, chúng tôi háo hức chẳng khác gì sắp được đi du lịch. Từ sáng sớm, từng toán học sinh cơm nắm, cơm đùm gò lưng đạp xe hơn chín, mười cây số để đến nông trường. Sau khi nghe nhân viên kỹ thuật phổ biến cách hái búp, chúng tôi được phát cho cái gùi và bắt đầu dàn hàng ngang để hái. Những búp chè mơn mởn bị đám “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” này ngắt ném rơi vãi không thương tiếc. Mấy đứa con trai nhắm mắt bứt đại cả lá già lẫn lá non cho nhanh đầy gùi. Chừng nửa buổi sáng, quản lý nông trường vội vàng nhờ cô hiệu trưởng thông báo dừng việc vì thứ mà chúng tôi hái được chắc chỉ để dùng... hãm nước chè xanh mà uống chớ không thể sao cho thành trà được. Vào ở tuổi ấy, lần đầu tiên tôi nhận ra giá trị thương hiệu của một sản phẩm không dành cho sự hời hợt của con người.
Rồi tôi đi xa, nông trường chè cũng giải thể, nhưng bên những thân chè cổ thụ còn sót lại, những nương chè mới đã được gây dựng lại, hồi sinh. Vài hộ gia đình nhận khoán để tiếp tục duy trì sản phẩm trà Gò Loi nhưng ở mức độ nhỏ lẻ. Người ta trồng ở vườn nhà, tự sao chế nhưng được thiên nhiên ưu đãi nên hương trà Gò Loi vẫn tiếp tục vang xa trên khắp mọi miền. Người ta săn lùng mua cho được thứ trà hảo hạng để một lần nhấm nháp thứ nước uống tiếng tăm một thuở. Ba tôi là người sành uống và nghiện trà nên mỗi khi có tôi về thăm nhà, ông hay châm một bình trà Gò Loi vào cái ấm “đặc chủng” để hai cha con cùng đối ẩm. Đưa tách trà nước vàng xanh sóng sánh còn bốc khói lên, khứu giác là nơi đầu tiên cảm nhận được cái hương thơm đặc trưng của thứ trà móc câu “homemade” chính hiệu mà người không sành rất khó nhận ra. Cũng như những người thợ săn lành nghề nhận biết hương thơm quyến rũ từ mùi xạ của con hươu đực trong khi người thường chỉ thấy mùi khét lẹt.
Nhấp một ngụm trà, các vị ngọt, đắng, chát hòa quyện vào nhau nơi vị giác. Điều tuyệt vời là dư vị của nó còn đọng lại nơi cổ họng đến tận vài phút sau khi thưởng thức. Dư vị ấy chỉ người ghiền trà mới thật sự cảm nhận được. Nó khác với thứ trà thương phẩm được tẩm ướp phụ phẩm hóa chất bán trên thị trường khi uống vào có vị “ngót” không tan rất khó chịu.
Vừa rồi nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Gò Loi (9/4/1972 - 9/4/2022) và 50 năm Giải phóng hoàn toàn Hoài Ân (19/4/1972 - 19/4/2022) tôi có dịp về lại Gò Loi. Dừng chân bên cầu Bến Vách ngắm những người đi chợ sớm, nhấp tách trà còn bốc khói mang vị đậm đặc, chát chứ không được ngon lắm, tôi hỏi chị chủ quán liệu có phải trà Gò Loi. Chị cười xác nhận nó được sao ở Gò Loi nhưng không phải là loại trà hảo hạng. Anh bạn ngồi bên nhăn mặt vì tách trà đậm nói vui: “Trà này mới ở “đồng bằng” chớ chưa lên tới “Gò” anh ơi! Hôm nào “đạp” lên đây phải uống cho được trà Gò Loi chính hiệu mới được”.
Rời mảnh đất trà khi mặt trời vừa lên, tôi đạp xe mà vẫn còn luyến tiếc vì chưa được uống thứ trà của quê hương mà tiếng tăm nó vang xa tận mấy chục năm rồi. Tự dưng những câu ca một thuở về nông trường chè này cứ man mác đâu đó trong những vòng xe quay trên con đường giờ đã được nhựa hóa thênh thang: Hoa chè nở trong đêm/ Hát lời ru dịu hiền/ Từng cánh chè mềm mại/ Thầm kín như con gái... Lại ước ao, có dịp trở lại vùng đất này, thay cho những rẫy keo tràm trải rộng trùm kín những ngọn đồi, ven sông, suối, ruộng... sẽ là những nương chè Gò Loi xanh sẫm, cái giống cây dẫu có thể lâu giàu hơn nhưng đem đến nguồn thu nhập ổn định, lâu dài hơn và thân thiện với đất hơn. Và đôi bàn tay những người dân Gò Loi, Đăk Mang, Bok Tới, Ân Hữu, Ân Nghĩa... thay bằng cầm rựa phạt keo, tràm, sẽ mơn man trên những búp trà, để mang lại cho đời thứ đặc ân một thời vang bóng, để Gò Loi không chỉ là vùng đất của một thời hào hùng trong mưa bom bão đạn, mà còn là vùng đất của nông nghiệp xanh bền vững.