Chủ trì hội thảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường cho biết, những năm gần đây, công tác dự báo, cảnh báo KTTV đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biến thời tiết, thuỷ văn phức tạp và trái với quy luật. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra như: nắng nóng đặc biệt gay gắt, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất, lũ và ngập lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường phát biểu tại hội thảo |
Theo ông Hoàng Đức Cường, hiện nay, khoa học công nghệ đã có những bước phát triển mới theo hướng hiện đại, kết nối, thông minh… Trong thời gian gần đây, thiết bị quan trắc, công nghệ xử lý thông tin, dự báo KTTV được đầu tư rất lớn, hiệu quả. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia trong và ngoài Tổng cục KTTV đã và đang được triển khai đưa vào nghiệp vụ dự báo, cảnh báo KTTV ở trung ương và địa phương. Nhờ đó chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV được nâng lên.
“Do vậy, việc trao đổi, phổ biến thông tin về các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo KTTV là rất quan trọng”, ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, Tổng cục đang xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực dự báo KTTV giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển toàn diện, đồng bộ hệ thống dự báo KTTV quốc gia, đảm bảo có đủ năng lực dự báo và cung cấp dịch vụ KTTV có độ tin cậy cao, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hội thảo khoa học toàn quốc về công tác dự báo, cảnh báo KTTV là một trong những hoạt động để thực hiện mục tiêu trên.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận và giới thiệu những công trình nghiên cứu khoa học mới nhất trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo KTTV. Điển hình như nghiên cứu “Ảnh hưởng của MJO đến đặc trực và hoàn lưu mực thấp tại khu vực phía nam Việt Nam” (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) nhằm giúp các dự báo viên có thêm thông tin hữu ích, nâng cao độ tin cậy trong dự báo thời tiết nghiệp vụ, đặc biệt là hạn 5 – 14 ngày.
Để nâng cao chất lượng dự báo, mưa lũ, Trung tâm Dự báo KTTV đề xuất phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của một cặp mô hình khí tượng thuỷ văn bằng cách tạo ra lượng mưa tổ hợp kết hợp với lượng mưa dự báo dưa trên radar và sai số không gian của lượng mưa dự báo. Phương pháp này đã được áp dụng thử nghiệm để nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của cặp mô hình Dự báo và Đồng hoá dữ liệu địa phương và mô hình mưa – dòng chảy Đại học Sejong cho lưu vực Yeongwol thuộc lưu vực sông Hàn (Hàn Quốc) và cho thấy hiệu quả đáng kể.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cùng nhau thảo luận các công trình như: Dự báo hạn mùa số lượng bão trên khu vực biển Đông bằng phương pháp thống kê – động lực (Đại học Khoa học – Tự nhiên); đánh giá dữ liệu mưa ước lượng từ vệ tinh GSMAP với dữ liệu mưa bề mặt tại Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thuỷ văn hạn dài…
Về định hướng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo KTTV giai đoạn 2020-2025, Tổng cục KTTV xác định chương trình trọng điểm dự báo, cảnh báo KTTV là công nghệ dự báo, cảnh báo thời gian thực, mô hình dự báo xoáy thuận nhiệt đới, mô hình dự báo số, công nghệ đồng hoá dữ liệu, công nghệ dự báo, cảnh báo mưa, công nghệ dự báo KTTV hạn vừa, hạn dài, tích hợp dự báo sóng, tổ hợp các kết quả đa mục đích…
Bên cạnh đó, dự báo, cảnh báo tác động và rủi ro do thiên tai KTTV tập trung vào hệ thống dự báo tác động; dự báo tác động rủi ro; công nghệ quan trắc tác động thời gian thực; công nghệ tương tác thời gian thực.