Hướng đến một Chính phủ điện tử ngành Tài nguyên và Môi trường

02/02/2019 12:00

(TN&MT) - Năm 2018, Bộ TN&MT triển khai gần 100 nhiệm vụ, hoạt động, sản phẩm về công tác cải cách hành chính (CCHC). Trong đó nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào CCHC luôn được Bộ tập trung ưu tiên hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về tác động và hiệu quả của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác CCHC của Bộ TN&MT, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường.

Lê Phú Hà Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu TNMT
Ông Lê Phú Hà
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin
và Dữ liệu Tài nguyên môi trường

PV: Thưa ông, với vai trò là đơn vị tham mưu về CNTT của Bộ TN&MT, ông có thể đánh giá khái quát công tác ứng dụng CNTT trong CCHC của Bộ như thế nào?

Ông Lê Phú Hà: Những năm qua, lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc luôn quan tâm đến việc ứng dụng CNTT và coi đây là nhiệm vụ, phương tiện quan trọng để thực hiện mục tiêu CCHC, xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử.

Ngay từ cuối năm 2017, Bộ trưởng đã ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2018 với các mục tiêu, nội dung, giải pháp, nhiệm vụ, dự án cụ thể. Và đến nay chúng ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch này: kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành thông suốt giữa Bộ với Chính phủ, các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ, Sở TN&MT trong cả nước; cơ bản 100% văn bản, tài liệu (không mật) là văn bản điện tử, trao đổi trên môi trường mạng gắn với chữ ký số và 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động sử dụng thường xuyên thư điện tử trong công việc. Còn đối với người dân, đã cung cấp cơ bản 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ; bảo đảm 100% các thủ tục hành chính vận hành theo cơ chế Một cửa Quốc gia, Một cửa ASEAN kết nối với Cổng Thông tin quốc gia theo kế hoạch của Chính phủ. 100% văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản cần phổ biến đã đưa lên mạng.

PV: Vậy cụ thể năm 2018, Bộ đã ứng dụng CNTT như thế nào trong công tác CCHC, thưa ông?

Ông Lê Phú Hà: Về công tác chỉ đạo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ban hành một số quyết định, nghị quyết như: Chỉ thị số 01/CT-BTNMT về việc sử dụng hoàn toàn văn bản hành chính điện tử có xác thực chữ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử hay Quyết định số 2180/QĐ-BTNMT ban hành Danh mục mã định danh các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TN&MT phục vụ kết nối, trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành cùng các hệ thống thông tin nội bộ của Bộ làm cơ sở để hoàn thiện, triển khai hiện đại hóa hành chính.

ND26
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Ảnh: MH

Bộ TN&MT đã triển khai Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (QLVB&HSCV) điện tử dùng chung tại Bộ, toàn bộ các văn bản và hồ sơ công việc (không mật) được xử lý qua mạng thông tin điện tử, bảo đảm kiểm soát tiến độ xử lý văn bản và hồ sơ công việc tại mọi thời điểm, gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, công chức. Cơ bản 100% văn bản, tài liệu (không mật) chính thức gửi - nhận của Bộ được trao đổi hoàn toàn dưới dạng thông tin điện tử từ ngày 6/9/2018, tiến tới tất cả văn bản được xác thực chữ ký số và gửi, nhận thông qua Hệ thống liên thông văn bản của Chính phủ và của Bộ TN&MT. Hệ thống QLVB & HSCV đã triển khai tới tất cả các đơn vị thuộc Bộ với 6.821 tài khoản cho người dùng hệ thống; liên thông văn bản điện tử giữa Bộ với các đơn vị trực thuộc: gửi 25.600 - nhận 26.800, liên thông văn bản điện tử giữa Bộ với các Bộ, ngành khác: nhận 5.100 - gửi 5.800. Việc triển khai và ứng dụng chữ ký số cũng cơ bản hoàn thành với việc cấp 2.350 Chứng thư số chuyên dùng và hiện chúng tôi đang tiến hành thử nghiệm chữ ký số trên thiết bị di động thông minh.

Hệ thống này đã kích thích sự thay đổi lớn trong phương thức làm việc của các cơ quan hành chính. Thay đổi lớn nhất là thay đổi được tư duy làm việc theo kiểu thủ công, giấy tờ sang việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành của từng CBCCVC, giúp giải quyết công việc không bị giới hạn về thời gian, không gian, tiết kiệm văn phòng phẩm, kinh phí gửi văn bản, rút ngắn thời gian xử lý công việc giúp nâng cao năng suất, hiệu quả công tác của CBCCVC.

Bộ đã triển khai, vận hành Hệ thống tương tác trong chỉ đạo điều hành giữa Bộ TN&MT với 63 Sở TN&MT, tích hợp với Cổng Thông tin điện tử của Bộ để tạo môi trường làm việc, chỉ đạo, điều hành thông suốt, liên tục, kết nối xử lý các công việc chung giữa Bộ và các Sở, xây dựng Chính phủ điện tử toàn ngành TN&MT. Để phục vụ các công tác, nhiệm vụ có phạm vi toàn ngành từ Trung ương đến địa phương.

PV: Vâng, ông vừa đề cập đến việc triển khai, vận hành Chính phủ điện tử (CPĐT) toàn ngành TN&MT. Vậy, ông có thể cho biết, Bộ TN&MT đã và đang triển khai nhiệm vụ này như thế nào?

Ông Lê Phú Hà: Về CPĐT, tuy có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng một khái niệm được chấp nhận CPĐT là Chính phủ ứng dụng CNTT ở mức độ cao để đổi mới tổ chức, đổi mới quy trình giúp cho các cơ quan thuộc Chính phủ làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức và tạo lập môi trường phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Phát triển CPĐT dựa trên cơ sở dữ liệu và dữ liệu mở, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, tạo ra các giá trị mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà với tư cách là thành viên của Ủy ban Quốc gia về CPĐT đã tham gia tích cực vào việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về CPĐT; kiến trúc Chính phủ Việt Nam phiên bản 2.0; các đề án triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT triển khai CPĐT tại Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương…  Đồng thời, Bộ cũng triển khai, tuân thủ và cập nhật liên tục Kiến trúc CPĐT của Bộ TN&MT phiên bản 1.0. Trên cơ sở đó, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương cũng như các Bộ, ngành khác xây dựng, bổ sung và hoàn thiện Kiến trúc CPĐT ngành TN&MT phiên bản 2.0.

Đặc biệt, Bộ đã nâng cấp, vận hành Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tại Bộ phận một cửa của Văn phòng Bộ và các đơn vị quản lý chuyên ngành theo tiêu chí, quy định thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật, yêu cầu kết nối theo quy định. Hiện, hệ thống này đã kết nối, liên thông với Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ và đã tích hợp, áp dụng chữ ký số. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại Bộ cũng đạt hiệu quả cao. Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào triển khai 113 dịch vụ công trực tuyến, vượt mức kế hoạch đã đăng ký và được giao. Song song với đó, việc công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ cũng được đánh giá khá cao.

PV: Thưa ông, để vận hành CPĐT, phục vụ hiệu quả công tác CCHC, ngoài những yếu tố như ông đã nêu, còn cần chú trọng công tác nào?

Ông Lê Phú Hà: Ngành TN&MT có thể coi là ngành điều tra cơ bản, sản phẩm chủ yếu là thông tin, dữ liệu vì vậy cần một cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại để vận hành tốt CPĐT, phục vụ tốt công tác CCHC, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ của ngành.

Theo tôi, để có cơ sở hạ tầng hiện đại chúng ta cần 3 trụ cột. Thứ nhất là hạ tầng trang thiết bị, chúng ta đã từng bước nâng cấp hạ tầng trang thiết bị về CNTT của Bộ và ngành TN&MT. Áp dụng, sử dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, tạo lập môi trường điện toán đám mây ngành, phục vụ chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên CNTT, bảo đảm an toàn/an ninh thông tin; khắc phục tình trạng manh mún, sử dụng không hết công suất khi đầu tư trang thiết bị, phần mềm; nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thứ hai, chúng ta đã từng bước thiết lập cơ sở dữ liệu TN&MT tuân thủ Kiến trúc CPĐT; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu để từng bước hình thành hạ tầng dữ liệu chung của Bộ, ngành trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp liên thông, tích hợp phục vụ quản lý, điều hành và công bố, cung cấp thông tin thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Trên hai nền tảng đó, chúng ta thiết lập hạ tầng tri thức gồm các công cụ thông minh xử lý, phân tích, tổng hợp phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ hỗ trợ ra quyết định, phục vụ hoạch định chính sách và các nhu cầu khai thác thông tin TN&MT của xã hội. Với cơ sở hạ tầng CNTT như vậy sẽ là điều kiện để ngành TN&MT phát triển, hiện đại hóa, đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến một Chính phủ điện tử ngành Tài nguyên và Môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO