Theo Bộ Tài chính, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với ước thực hiện năm 2021. Ảnh minh họa |
Theo đó, việc lập kế hoạch thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 3 năm 2022-2024 phải đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường. Đồng thời, tính đến khả năng phát triển kinh tế cả nước, từng ngành nghề, lĩnh vực và địa phương trong giai đoạn 2022-2024 phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, nội dung trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025.
Ngoài ra, lập kế hoạch thu ngân sách 3 năm này cũng phải tính đến các yếu tố thay đổi về năng lực đầu tư, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ, phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của từng năm; các yếu tố tác động của quá trình hội nhập quốc tế.
Bộ Tài chính lưu ý, các yếu tố dự kiến làm tăng, giảm, dịch chuyển nguồn thu do điều chỉnh chính sách thu, bổ sung mở rộng cơ sở tính thuế, tăng cường quản lý thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết hội nhập; một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; tác động thu ngân sách từ việc điều chỉnh giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật.
Theo Hướng dẫn của Bộ Tài chính, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước) bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với ước thực hiện năm 2021. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.
Đối với xây dựng dự toán thu nội địa năm 2022, các địa phương phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu NSNN phát sinh trên địa bàn; đồng thời loại trừ các khoản theo quy định không thuộc nguồn thu cân đối NSNN trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2021, những đặc thù của năm 2022 và số kiểm tra dự toán thu năm 2022 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.
Trong xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022, Bộ Tài chính cũng tạm tính phân cấp một số khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (tỷ lệ cụ thể Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định sau) như: số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu: tính 37,2% số thu là khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; 62,8% số thu điều tiết 100% về ngân sách Trung ương; số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản: trường hợp giấy phép khai thác do cơ quan Trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho ngân sách Trung ương, 30% cho ngân sách địa phương; trường hợp giấy phép khai thác do UBND cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% cho ngân sách địa phương.
Theo Bộ Tài chính, với xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, dự toán thu ngân sách căn cứ vào dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có thuế trong bối cảnh hội nhập... và phải xét đến các yếu tố tác động như: dự kiến biến động giá trong nước và giá thị trường quốc tế của những mặt hàng có số thu NSNN lớn; tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các FTA đã ký kết và thực thi cam kết trong năm 2022…
Đối với các khoản thu được để lại, học phí, giá dịch vụ y tế, thu dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí và lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ: thực hiện lập kế hoạch thu riêng theo quy định và xây dựng phương án sử dụng để gửi cơ quan có thẩm quyền giám sát và tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương, gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.