Hưng Hà (Thái Bình): Phát triển làng nghề dệt Phương La nhờ máy móc hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm

23/01/2018 15:47

(TN&MT) - Các doanh nghiệp trong CCN làng nghề dệt Phương La ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đang dần chuyển sang sử dụng các thiết bị máy móc...

(TN&MT) - Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm theo các tiến trình lịch sử phát triển của đất nước, đến nay, làng nghề dệt Phương La ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã phát triển đến một tầm cao mới. Trong đó, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp (CCN) làng nghề đang dần chuyển sang sử dụng các thiết bị máy móc công nghiệp hiện đại. Nhờ đó, môi trường làng nghề đã dần cải thiện.
 
Nhờ máy kiếm công nghiệp hiện đại, môi trường làng nghề đang dần cải thiện
Nhờ máy kiếm công nghiệp hiện đại, môi trường làng nghề đang dần cải thiện

Làng nghề dệt Phương La đã phát triển theo mô hình từ đơn thuần sang phức tạp và từ công nghệ thấp đến công nghệ cao. Hiện có 96 công ty hoạt động tại khu vực làng nghề Phương La, còn lại các “vệ tinh” ở các xã khác phục vụ cho làng nghề. Trong số các doanh nghiệp hoạt động tại CCN Phương La, có 24 doanh nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả. Các doanh nghiệp ký kết với các bạn hàng, chịu trách nhiệm đầu vào và đầu ra và giao cho các hộ gia đình làm gia công. Hiện có 35-40% số doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại là máy móc công nghiệp và số còn lại sử dụng hệ thống máy móc bán công nghiệp. Tuy nhiên, do chi phí tương đối lớn, cần nhiều công trình phụ trợ cho máy và mặt bằng rộng trong khi nhiều gia đình trong cụm dân cư trong làng còn hạn chế về diện tích và đường cổ, ngõ hẹp nên không tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình lắp đặt máy công nghiệp.

Ngày nay, các sản phẩm được xuất khẩu không chỉ đến thị trường trong nước mà còn trên khắp thị trường quốc tế. Trước năm 1986, thị trường xuất khẩu rất eo hẹp, chỉ là thị trường trong nước nhưng đặc biệt từ sau khi Nhà nước có chủ trương chính sách mở cửa, thị trường xuất khẩu của làng nghề được mở rộng đến các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Mặt hàng cũng đa dạng hơn, mặt hàng chủ lực là khăn mặt, đũi và tơ tằm thay vì những mặt hàng đơn thuần là vải, màn, quần bò, quần sa tanh, chiếu như trước đây.

Qua tìm hiểu, được biết, cả xã Thái Phương có 3.347 hộ gia đình được chia thành 8 thôn thì có 6 trên 8 thôn được công nhận là làng nghề, trong đó ở thôn Phương La có trên 1.500 hộ thì 100% số hộ này làm nghề dệt còn ở các thôn khác như thôn Trắc Dương và thôn Nhân Xá, 70% số hộ làm nghề dệt. Doanh thu của các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu ở CCN đạt mức từ 3-5 triệu USD/năm/doanh nghiệp.
 
Chị Trần Thị Lan đeo khẩu trang và bịt tai để chống bụi bông và hạn chế tiếng ồn
Chị Trần Thị Lan đeo khẩu trang và bịt tai để chống bụi bông và hạn chế tiếng ồn

Tại làng nghề dệt Phương La, trong hộ dân cư, môi trường làng nghề bị ảnh hưởng do ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí do bụi. Nhờ thiết bị máy móc công nghiệp mới, tiếng ồn đã được khắc phục, tiếng nhỏ hơn máy dệt bán công nghiệp và hạn chế bụi bông bay ra trong quá trình sản xuất.

Để có cái nhìn khách quan về những lợi ích của thiết bị máy móc công nghiệp hiện đại, PV Báo TN&MT đã mục sở thị hộ gia đình chị Trần Thị Lan, thôn Phương La 1, xã Thái Phương làm nghề dệt hơn 3 năm nay. Gia đình chị chuyển sang dùng 2 máy kiếm từ tháng 7/2016 với chi phí mỗi máy là 230 triệu đồng. Theo chị Lan, máy kiếm mới tiếng ồn bé hơn và dệt nhanh hơn máy gỗ trước đây. Cụ thể, một khung máy gỗ chỉ dệt được 3 khổ khăn nhưng máy kiếm công nghiệp có thể dệt được 6 khổ khăn, do đó, mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình. Mỗi ngày làm việc từ 8-10 tiếng, thu nhập trung bình một tháng chị Lan thu được 8 triệu đồng.

“Có thể vừa trông máy kiếm vừa làm việc khác thay vì ngồi liên tục bên máy gỗ trước đây. Máy cũ thì phải ngồi liên tục để thay suốt hoặc máy trục trặc, đứt sợi sẽ không tự dừng còn máy kiếm công nghiệp nếu hỏng hoặc đứt sợi sẽ tự dừng. Hơn nữa, các công ty ưa chuộng sợi dệt từ máy kiếm công nghiệp vì sản phẩm được dệt từ máy này đẹp hơn và kích cỡ sợi khăn đều hơn sản phẩm của máy gỗ” – chị Lan chia sẻ.
Ông Trần Bá Cao – Chủ tịch UBND xã Thái Phương trao đổi với PV Báo TN&MT
Ông Trần Bá Cao – Chủ tịch UBND xã Thái Phương trao đổi với PV Báo TN&MT

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Trần Bá Cao - Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: “Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải trong sản xuất công nghiệp gây ra, năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đầu tư cho Thái Phương một nhà máy xử lý nước thải với giá trị gần 80 tỷ đồng và công trình đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, chuẩn bị đưa vào vận hành. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Ban quản lý dự án chưa có kế hoạch cho các doanh nghiệp ra đầu tư vì số doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn, vượt gấp 3 lần trong khi diện tích và công suất của nhà máy lại hạn chế”.

“Địa phương mong muốn nhà máy xử lý nước thải sớm đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do xả thải ra sông, ngòi để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp cho người dân” – ông Trần Bá Cao cho biết thêm.

Trong thời gian chờ nhà máy đi vào hoạt động, theo ông Trần Bá Cao, UBND xã Thái Phương thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ trong quá trình sản xuất phải có các trang thiết bị bảo hộ lao động như đeo khẩu trang để chống bụi và bịt bông tai để chống ồn. Ông Trần Bá Cao cho rằng đây là các giải pháp hữu hiệu nhất đối với những người trực tiếp sản xuất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưng Hà (Thái Bình): Phát triển làng nghề dệt Phương La nhờ máy móc hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO