Theo các chuyên gia, “giao thông xanh” là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí độc hại khác ra môi trường. Có thể xem các phương tiện dùng sức người, sức kéo của động vật, các năng lượng tái tạo là phương tiện “giao thông xanh”. Đi bộ, đi xe đạp và sử dụng các loại xe dùng sức đẩy khác hay sử dụng các phương tiện dùng năng lượng mặt trời, năng lượng gió là tham gia “giao thông xanh”. Ngoài ra, xe buýt tuy vẫn dùng nhiên liệu xăng dầu là chủ yếu, nhưng vì lượng khí thải CO2 trên đầu người thấp hơn so với các loại phương tiện khác vì thế cũng được coi là phương tiện “giao thông xanh”.
Mở đầu diễn đàn, TS Cung Trọng Cường - Viện trưởng VNCPT đã giới thiệu đề dẫn về đề án và nêu vấn đề làm sao thay đổi cách thức giao thông ở Huế.
Theo ông Cường, giao thông công cộng rất thuận tiện và kết nối tốt, giảm ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Hạ tầng giao thông tốt và phân luồng hợp lý. Có đường dành riêng cho người đi bộ cũng như nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Diễn đàn cũng đã tập trung thảo luận về các chủ đề như: Định hướng giao thông công cộng và “giao thông xanh” cho Thừa Thiên Huế; Xu hướng sử dụng phương tiện giao thông cho thành phố; Quản lý các phương tiện “giao thông xanh” phục vụ du lịch (xích lô, xe đạp, thuyền SUP…).
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ, trình bày các ý kiến, nhận định về sự phát triển giao thông xanh trên thế giới, những thuận lợi và hạn chế, bất cập đã diễn ra và xu thế phát triển loại hình xe đạp, giao thông xanh cho đô thị Huế. Từ đó, bàn luận các vấn đề làm sao để người dân thích đi xe đạp, thấy rõ được hiệu quả trong việc nâng cao sức khỏe bản thân, những đóng góp và thay đổi về tác động môi trường của giao thông xanh, hiệu quả kinh tế khi đi xe đạp; tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, thiết kế các làn đường ưu tiên dành cho người đi bộ và đi xe đạp, đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp đối với giao thông xanh…
Tổng kết diễn đàn, TS. Đặng Minh Nam - Phó Viện trưởng VNCPT đã ghi nhận các ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia và những người yêu Huế.
“Hầu hết các ý tưởng mang tính khả thi cao và cho rằng trên cơ sở hạ tầng sẵn có của Huế thì chúng ta có thể thực hiện được. Viện sẽ bắt tay nghiên cứu để hình thành nên một “bộ khung” định hình cho đô thị Huế trong thời gian sắp tới...” - TS Nam kết luận.