Huế: Tăng cường xử lý nợ và thu hồi nợ đọng thuế

29/10/2018 10:36

(TN&MT) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt đề án xử lý nợ và thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh.

Chi cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế
Chi cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Chi cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện trên địa bàn có rất nhiều doanh nghiệp đang nợ đọng thuế với số tiền nợ khoảng 400 tỷ đồng, trong đó tính đến 30/9, nợ khó thu là 230 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là 180 tỷ đồng.

Đề án xử lý nợ và thu hồi nợ đọng thuế của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm đảm bảo thu đúng, đầy đủ, kịp thời nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế; tạo sự bình đẳng về thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước giữa các tổ chức, cá nhân, người nộp thuế. 

Cụ thể, nhiệm vụ đặt ra là tập trung triển khai đầy đủ, đúng quy trình các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; phấn đấu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018; số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 giảm so với thời điểm 31/12/2017. Xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh và nợ chờ xử lý tại thời điểm 31/12/2017.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Cục Thuế tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu. Xác định các nguồn thu còn tiềm năng; các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.

Bên cạnh đó, theo dõi tình hình kê khai, nộp thuế của người nộp thuế để thực hiện các biện pháp đôn đốc nợ thuế đối với khoản nợ từ 1 đến 90 ngày. Đối với những doanh nghiệp khó khăn về tài chính nhưng vẫn có khả năng trả nợ thì cơ quan thuế phân kỳ nộp thuế để tạo điều kiện cho người nộp thuế vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh vừa thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về nghĩa vụ thuế.

Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trong việc xử lý nợ đọng thuế; thực hiện cưỡng chế ngân hàng đối với các doanh nghiệp có khoản tiền thuế nợ từ 91 ngày trở lên và có số tiền nợ đọng thuế từ 10 triệu đồng trở lên hoặc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế khác phù hợp với tình hình thực tế cũng như điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp.

Tổ chức Hội nghị, đối thoại, tập huấn chính sách thuế cho người nộp thuế. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ về chính sách thuế cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu biết chính sách thuế; giảm thiểu tình trạng đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế do thiếu hiểu biết về chính sách thuế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Tăng cường xử lý nợ và thu hồi nợ đọng thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO