Huế: Khôi phục ban công cầu Trường Tiền để du khách ngắm cảnh

08/08/2017 00:00

(TN&MT) - Cầu Trường Tiền- một biểu tượng của xứ Huế sẽ được dựng lại hệ thống ban công, qua đó tạo vẻ đẹp cho cầu và để người dân, du khách ngắm cảnh trên sông Hương.

Cầu Trường Tiền- một biểu tượng của Huế sẽ được khôi phục hệ thống ban công
Cầu Trường Tiền- một biểu tượng của Huế sẽ được khôi phục hệ thống ban công

Ngày 8/8, ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh- Phó Chi cục trưởng quản lý đường bộ 2.6 (Cục quản lý đường bộ 2) thông tin, cầu Trường Tiền (TP. Huế) sẽ được sửa chữa, khôi phục lại hệ thống ban công ngắm cảnh cho người dân và du khách.

Theo đó, dự án do Cục Quản lý Đường bộ II làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 3,8 tỷ đồng, thời gian hoàn thành sẽ vào giữa tháng 10/2017.

Cây cầu sẽ được thảm nhựa lại mặt cầu, đường dẫn hai đầu cầu, sơn sửa lại hệ thống dàn thép bị rỉ sét. Thay thế khe co giãn cũ, sửa chữa bậc lên xuống. Lề đường đi bộ hai bên cầu sẽ được lát gạch màu xanh thay vì bê tông như hiện nay.

Xây thêm 10 ban công ở 5 nhịp cầu hai bên. Mỗi ban công có chiều dài 7m, rộng 1,25m có hình nửa lục giác nhô ra sông đúng như mẫu ban công từ thời vua Bảo Đại, qua đó để người dân và du khách ngắm cảnh.

Cầu Trường Tiền được xây dựng vào năm 1897 dưới thời vua Thành Thái,do hãng Eiffel ở Pháp thi công (kiến trúc sư Gustave Eiffel thiết kế). Cầu hoàn thành vào năm 1899, dài 401,1 m, rộng 6,2 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình bán nguyệt.

Dưới triều vua Bảo Đại năm 1937, cầu Trường Tiền được mở rộng hành lang hai bên cho xe đạp, người đi bộ và xây dựng thêm các ban công ngắm cảnh.

Sau khi kết thúc chiến tranh, từ năm 1991- 1995, Công ty Cổ phần Cầu 1 Thăng Long lãnh trách nhiệm trùng tu, xây lại 2 nhịp cầu, đổi màu cầu từ dụ bạc sang lam, tất cả các bao lơn cũng bị phá bỏ. Trước đây, mặt cầu rộng 6,2m, nhưng sau khi sửa chữa xong, chỉ còn 5,4m, cho nên chỉ có xe loại nhỏ mới qua lại cầu được.

Tin, ảnh:Thế Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Khôi phục ban công cầu Trường Tiền để du khách ngắm cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO