Huế hướng đến xử sở mai vàng của Việt Nam

Văn Dinh| 08/01/2023 09:58

Mai vàng Huế từ lâu đã trở thành biểu tượng đặc trưng của vùng đất Cố đô, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về. Chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực để khôi phục truyền thống trồng mai, đưa Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam trong tương lai gần.

Thương hiệu xứ Huế

Mai vàng là loại hoa nổi tiếng của Việt Nam. Đối với Huế, mai vàng có nguồn gen bản địa đặc hữu thường được gọi là hoàng mai Huế, được trồng từ lâu đời ở cung đình, sân đình, cửa chùa, sân nhà người dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng. Hoàng mai Huế là giống cây thân gỗ nhỏ tuổi thọ cao, có lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi); hoa có cuống ngắn; 5 cánh màu vàng tươi, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau; hương thơm dịu nhẹ. Đây là đặc tính cảm quan của hoàng mai Huế, dùng để phân biệt với các loại mai khác.

ma-i1.jpg

Hoàng mai xứ Huế có nét đặc trưng riêng

Với sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung, hoàng mai Huế khó sinh trưởng và phát triển, từ đó lại càng tôn nên vẻ đẹp, sự quý giá và quý phái của mai. Cây mai gắn với đời sống văn hóa của người Huế, đặc biệt vào những ngày Tết, hầu như nhà nào cũng có một chậu hoặc một nhành mai ở trong nhà với ước mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Có thể nói, đây là loại cây thể hiện cốt cách con người và trở thành “sứ giả”, tượng trưng cho mùa xuân xứ Huế.

TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế chia sẻ, trong sử sách, thực ra xứ sở có nhiều mai vàng là Quảng Trị chứ không phải Huế. Tuy nhiên, xứ Huế có danh giá ở một vị trí từng là kinh đô nên có tinh thần hội tụ. Bên cạnh những giống loài bản địa nguyên gốc của Huế, bất cứ loại cây gì khi mang đến Huế trồng một thời gian đều sẽ tùy hợp với phong thổ và biến chuyển để trở thành một thổ sản của Huế. Mai vàng cũng là một trong những giá trị đặc thù như vậy của Huế.

“Từ nhiều thế kỷ nay, cây mai vàng gắn bó với các địa danh lịch sử tâm linh xứ Huế. Bằng chứng không chỉ ở các cây mai có tuổi đời lên tới hàng trăm năm mà còn hiện hữu từ vật dụng cho đến kiến trúc các di tích lịch sử ở Huế. Nói đến Huế là nghĩ đến cây mai vàng bởi nó đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân miền Trung”, TS. Trần Đình Hằng cho hay.

mai-2.jpg

Những gốc mai vàng tuyệt đẹp bên trong Đại nội Huế

Mai vàng Huế còn được khẳng định thương hiệu bởi những giá trị nghệ thuật bonsai qua những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã nâng cao giá trị thương hiệu và kinh tế. Hiện nay, hầu hết các địa phương ở Thừa Thiên - Huế đều trồng, chơi mai cảnh, thậm chí thành lập một xóm, làng, khu vực/phường, xã trồng và chơi mai cảnh.

Ở làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) nổi tiếng khi có truyền thống trồng mai vàng hàng trăm năm. Thống kê cho thấy, hơn 40% hộ dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng mai cảnh. Ngoài ra, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế hiện nay còn có nhiều vùng chuyên sản xuất - kinh doanh mai giống, mai cảnh khá nổi tiếng như phường An Đông, An Tây (TP. Huế); một số địa phương ở huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy... Mỗi năm, những nơi này cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng vạn chậu mai đẹp vào dịp Tết Nguyên đán.

Những cây mai khoảng 30 đến 60 tuổi ở vùng đất Cố đô đang có giá trị dao động từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/cây, thậm chí đắt hơn. Tại các chợ hoa Tết ở Huế hằng năm, những “lão” hoàng mai hàng trăm năm tuổi được đem trưng bày với giá lên đến vài tỷ đồng

maihue-2.jpg

Hoàng mai Huế không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn tạo ra giá trị kinh tế cao

Để Huế trở thành xứ sở mai vàng

Dù mai vàng Huế có vẻ đẹp đặc trưng mà “ít loài hoa nào có được” tuy nhiên, theo các chuyên gia và người trồng mai, loài hoa này chưa phát huy được các tiềm năng, giá trị vốn có. Việc trồng, tiêu thụ chưa tương xứng với thế mạnh, thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế... là những khó khăn cần được nhìn nhận nhằm đưa mai vàng Huế phát triển lên tầm cao mới.

Trong vài năm trở lại đây, với quyết tâm khôi phục, phát triển hoàng mai Huế, một số vườn được quy hoạch và trồng đúng giống mai vàng Huế, bước đầu đem lại kết quả tích cực. Hai vườn mai vàng thí điểm trước Đại nội và công viên trên đường Lê Duẩn, TP. Huế đã trở nên sang trọng khi Tết đến xuân về với sắc hoa vàng rực rỡ, tỏa hương thơm thanh khiết, thu hút đông đảo người dân và du khách.

Từ đầu năm 2021, Thừa Thiên - Huế đã phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ”, dần lan tỏa ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân. Tháng 4/2021, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên-Huế thành xứ sở mai vàng của Việt Nam”.

maihue-7(1).jpg

Du khách thích thú “check –in” vườn mai ở đường Lê Duẫn, TP. Huế

Theo ông Nguyễn Hữu Vấn - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Thừa Thiên - Huế, những người tâm huyết với mai vàng Huế rất lo nguồn gen gốc mai sẽ bị lai tạp và mất đi.

“Bản thân tôi và các thành viên hội rất mừng khi tỉnh có chủ trương khôi phục và phát triển hoàng mai Huế. Đây là một chủ trương phù hợp với lòng dân, các thành viên luôn ủng hộ và sẵn sàng giới thiệu các nghệ nhân có kinh nghiệm trong việc trồng mai và nghiên cứu về mai để cùng hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án thành công”, ông Vấn chia sẻ.

Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế thành xứ sở mai vàng của Việt Nam” hiện do Sở chủ trì thực hiện được các sở, ban ngành và người dân hưởng ứng. Sở KH&CN đã và đang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế”. Dự kiến kết quả của nhiệm vụ sẽ xây dựng được quy trình nhân giống mai vàng Huế bằng các kỹ thuật gieo hạt, giâm hom, chiết cành, nuôi cấy mô và quy trình trồng chăm sóc; xây dựng được mô hình nhân giống mang đặc tính của giống mai vàng Huế; xây dựng phương án, kế hoạch bảo tồn 100 cây mai vàng Huế có tuổi đời trên 50 tuổi...

Một trong những mục tiêu của đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế thành xứ sở mai vàng của Việt Nam” là hướng đến xây dựng ít nhất 5 rừng mai có quy mô diện tích tối thiểu 5 ha/rừng ở địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa - du lịch cho người dân và du khách khi đến Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh các địa điểm, khu vực để triển khai trồng các rừng mai, vườn mai phù hợp cảnh quan, có quy mô, tạo điểm nhấn. Trước mắt, đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh phải có 3- 4 rừng mai có diện tích từ 3- 5 ha; các huyện, thị xã và TP. Huế xây dựng các tuyến đường, vườn mai, làng mai có quy mô phù hợp. Sở NN&PTNT lồng ghép chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ để đề xuất, triển khai xây dựng các vườn mai, đường mai ở các địa phương trong tỉnh.

z2365902787466_a78876419f9c7baca18de2933b264b39.jpg

Phong trào “Mai vàng trước ngõ” đang được Thừa Thiên – Huế tích cực triển khai

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, Thừa Thiên - Huế đang quyết tâm xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”; vì thế việc xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam” là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn.

“Xây dựng Huế thành xứ sở mai vàng là một việc làm lâu dài, kiên trì, là trách nhiệm của từng gia đình, cơ quan, đơn vị, chúng ta không vội vàng. Lãnh đạo chính quyền địa phương đã, đang có những mục tiêu cụ thể và mong người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sinh vật cảnh, chủ vườn, người chơi mai lâu năm đồng hành, hưởng ứng, hiến kế... để mai vàng thực sự là sản phẩm chủ lực của Huế, một loại hàng hóa tạo ra thu nhập, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch, thông qua thương mại hóa các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc văn hóa Huế. Hy vọng 5-10 năm nữa mai vàng Huế sẽ nổi tiếng như hoa anh đào của Nhật Bản”, ông Thọ nhấn mạnh.

Lần đầu tiên, lễ hội Hoàng mai Huế sẽ được diễn ra từ ngày 9 - 19/1/2023 (nhằm ngày 18 đến 28 tháng Chạp Âm lịch), tại khu vực Công viên Thương Bạc – TP. Huế với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo, quy mô toàn quốc. Việc tổ chức lễ hội nhằm nâng cao vị thế của hoàng mai trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt; khôi phục truyền thống trồng mai, chơi mai cảnh của người dân. Cùng với đó, quảng bá hình ảnh hoàng mai xứ Huế, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở hoàng mai Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế hướng đến xử sở mai vàng của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO