Cuộc thi thu hút sự tham gia của hơn 40 nhóm ý tưởng là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điểm nhấn của cuộc thi chính là vòng Bứt phá với khoảng thời gian 10 ngày. Trong khoảng thời gian này, các nhóm dự án được kết nối với các Mentor (Cố vấn khởi nghiệp) để thực hiện các công việc: kiểm chứng ý tưởng, kiểm chứng phiên bản mẫu thông qua khảo sát và phỏng vấn khách hàng, xây dựng và điểu chỉnh mô hình kinh doanh, xây dựng hồ sơ gọi vốn đầu tư.
Trao giải cho các nhóm ý tưởng, dự án |
Trải qua nhiều vòng thi, 8 nhóm ý tưởng, dự án tốt nhất đã được lọt vào vòng chung kết. Tại đây, các nhóm dự án tiến hành thuyết trình và trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Theo ban giám khảo, các ý tưởng rất thú vị, đa dạng về lĩnh vực như y tế, du lịch, văn hóa, giáo dục, môi trường... và có tính mới, sáng tạo cao.
Kết quả, dự án “Hyy boutique – Nét đẹp văn hóa ẩn mình trong dòng chảy hiện đại” giành giải Nhất. 4 giải Sáng tạo thuộc về các dự án gồm Your Life – Mạng xã hội cải thiện sức khỏe, Mystery Tour, E – pharmacy, dự án Siêu thị Second Hand.
Qua cuộc thi, Đại học Huế chọn lựa các nhóm dự án tiềm năng để ươm tạo, tiếp tục hỗ trợ phát triển, ngoài ra sẽ hỗ trợ các nhóm tham gia các cuộc thi cấp cao hơn và tham gia các chương trình kết nối đầu tư.
Trong cuộc thi năm nay, Ban tổ chức cũng đã lồng ghép hoạt động cố vấn (mentoring) cho các cố vấn là lãnh đạo doanh nghiệp, giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu viên các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vừa trải qua các nội dung huấn luyện nâng cao kỹ năng cố vấn khởi nghiệp do Đại học Huế tổ chức trong khuôn khổ nhiệm vụ “Nâng cao năng lực và hỗ trợ hoạt động của cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (mentors)” thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844).
Ra mắt Mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp Huế |
Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra lễ ra mắt Mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp Huế. Mạng lưới này có hơn 40 cố vấn khởi nghiệp.
Mục đích của mạng lưới là hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trong suốt quá trình hình thành và phát triển dự án. Đặc biệt là trong bối cảnh Bộ KHCN cũng như Bộ GDĐT đang có các đề án về hỗ trợ khởi nghiệp.
“Về mạng lưới cố vấn khởi nghiệp Huế, mong muốn rằng sau những cuộc thi, sẽ chọn ra được những nhóm, những đề án có tính phát triển cao. Tôi đề nghị Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế lưu ý để làm sao có kế hoạch phát triển nhóm, ý tưởng như vậy. Mạng lưới cố vấn khởi nghiệp Huế không dừng lại ở đó, thông qua mối quan hệ có thể giới thiệu những thành viên khác để làm sao mạng lưới càng lớn, càng rộng…”, thầy Trương Quý Tùng – Phó Giám đốc Đại học Huế chia sẻ.
Được biết tại Đại học Huế, trong thời gian qua các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được lãnh đạo Đại học Huế đặc biệt quan tâm. Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo là đơn vị đầu mối đã chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai nhiều hoạt động với các hình thức đa dạng, phong phú nhằm phát huy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên...