Huế: Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát 7/9 huyện, thị

28/05/2019 15:57

(TN&MT) - Cho đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát 7/9 huyện, thị của tỉnh Thừa Thiên Huế và chưa có dấu hiệu dừng lại. Công tác phòng chống dịch cũng đang được địa phương này tích cực triển khai.

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại Thừa Thiên Huế khi huyện Phú Lộc là địa phương thứ 7 có dịch
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại Thừa Thiên Huế khi huyện Phú Lộc là địa phương thứ 7 có dịch

Ngày 28/5, ông Đặng Ngọc Trân - Bí thư huyện ủy Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) xác nhận với PV, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên đã xuất hiện tại địa phương.

Theo đó, hộ ông Nguyễn Văn Phước (trú thôn Hòa Vang 2, xã Lộc Bổn) có 3 con lợn nái biểu hiện bỏ ăn bất thường; trong đó một con bị chết cách đây ít ngày.

Nhận được tin báo, Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc lập tức phối hợp với xã Lộc Bổn đến hiện trường, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy lợn chết dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

“Hiện chúng tôi đã tiến hành tiêu hủy lợn theo quy trình. Mọi biện pháp tiêu độc khử trùng, hạn chế phương tiện qua lại ổ dịch và lập các chốt kiểm dịch để ngăn chặn dịch lây lan đã được các ban ngành huyện tiến hành trước và sau khi có dịch. Đồng thời sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở chăn nuôi gia súc trên địa bàn...”- ông Trân thông tin.

Như vậy, tính đến nay đã có 7 huyện, thị, thành phố ở Thừa Thiên Huế xuất hiện dịch tả lợn châu Phi gồm: huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy, TP. Huế và huyện Phú Lộc. Hai địa phương chưa có dịch là 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy đã trên 200 con, tổng trọng lượng ước tính hơn 11.000kg.

Được biết, tổng đàn lợn hiện nay tại Thừa Thiên Huế là khoảng 159.850 con, với 19.096 hộ chăn nuôi lợn, trong đó có khoảng 1.400 trang trại, gia trại chăn nuôi.

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thông tin đã đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch; thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành xuống trực tiếp cùng địa phương kiểm tra, chỉ đạo, kiểm soát dịch hiệu quả, đặc biệt là công tác dập dịch. Lãnh đạo các địa phương cần phải quyết liệt vào cuộc và phải chịu trách nhiệm về hoạt động phòng, chống dịch; huy động các lực lượng chủ động giám sát, phát hiện và tiêu hủy triệt để lợn dịch; duy trì, củng cố năng lực hệ thống thú y các cấp; hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động hỗ trợ người dân có lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chăn nuôi thay thế sản phẩm lợn...

“Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh gắn với bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội. Chuẩn bị tốt các điều kiện khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Các cấp ủy mà trực tiếp là Bí thư cấp ủy phải trực tiếp về cơ sở kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng, chống, khống chế dịch. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ do mình phụ trách...”- ông Lưu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát 7/9 huyện, thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO