HoREA kiến nghị chưa nên thí điểm thu thuế tài sản trên địa bàn TPHCM

17/11/2017 00:00

(TN&MT) - Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Thành ủy, UBND TPHCM về việc chưa thí điểm...

 

(TN&MT) - Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Thành ủy, UBND TPHCM về việc chưa thí điểm thu thuế tài sản trên địa bàn thành phố.

Theo HoREA, TPHCM có dáng dấp của một siêu đô thị với dân số khoảng 13 triệu người, trong đó, có khoảng 3 triệu người nhập cư, đã đóng góp đến 1/3 GDP, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách, và trong nhiều năm cũng là địa phương thu hút nguồn vốn FDI cao nhất của cả nước; khối lượng công việc hành chính cũng lớn nhất nước. HoREA rất hoan nghênh dự thảo Quy định cơ chế đặc thù cho TPHCM đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này. Quy định cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện để TPHCM bứt phá, phát triển mạnh mẽ để thực hiện vai trò đầu tàu của nền kinh tế, là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ, xây dựng đô thị thông minh, hiện đại ngang tầm các đô thị hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, các tầng lớp nhân dân có chất lượng sống tốt.

Qua nghiên cứu về đề xuất dự kiến thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TPHCM trong dự thảo Quy định cơ chế đặc thù cho thành phố, HoREA nhận thấy thuế tài sản, trọng tâm là thuế bất động sản (thuế nhà, đất) là sắc thuế được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng đối với người sở hữu tài sản, bất động sản, đã tạo nguồn thu ngân sách ổn định và bền vững (ví dụ, bang California, Hoa Kỳ đánh thuế bất động sản khoảng 1,23%/năm trên giá trị tài sản. Như vậy, sau khoảng 81 năm sẽ thu thuế được 100% giá trị của bất động sản và mở ra chu kỳ thu thuế tiếp theo). HoREA xin được đóng góp ý kiến: Đề nghị Quốc hội nên xem xét thật cẩn trọng, chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TPHCM tại thời điểm hiện nay, mà nên dời lại thời điểm thực hiện đánh thuế tài sản vào thời điểm sau năm 2020 thì phù hợp hơn, và nếu thực hiện thì áp dụng đồng thời trên cả nước, không nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản chỉ riêng tại , hoặc bất cứ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào.

Bởi vì, nền kinh tế đất nước và thị trường bất động sản vẫn còn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng, nhưng chưa thật sự vững chắc, giá nhà vẫn còn rất cao, gấp khoảng trên dưới 25 lần thu nhập trung bình của xã hội (trong khi ở các nước phát triển thì biên độ này chỉ khoảng từ 5 - 7 lần), thu nhập của người dân nhìn chung vẫn còn thấp và chưa thật ổn định. Đối với TPHCM, mặc dù tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh hàng năm, thu nhập GDP đầu người hiện đã vượt mức 5.000 USD/người, và dự kiến sẽ vượt mức 10.000 USD/người vào năm 2020, nhưng chi phí thực tế để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tại thành phố vẫn rất đắt đỏ so với các tỉnh.

Nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản thì có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố, nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là sẽ làm giá nhà, đất của TPHCM tăng lên, kể cả giá đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng tăng lên, đẩy giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo, làm cho cuộc sống đắt đỏ hơn nữa, đặc biệt là tác động làm giảm sức cạnh tranh của thành phố, bởi lẽ các địa phương khác chưa thực hiện đánh thuế tài sản.

HoREA đề nghị dự thảo thuế tài sản cần được xem xét tổng thể trong việc cấu trúc lại hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ, để tránh tình trạng tận thu, hoặc thuế chồng thuế. HoREA nhận thấy giá nhà, đất hiện đang cao so với thu nhập của người dân, mà một nguyên nhân là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất. "Tiền sử dụng đất" mặc dù không gọi là thuế, nhưng là một khoản nộp vào ngân sách nhà nước rất lớn. Thông thường, "tiền sử dụng đất" chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% giá nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% giá nhà biệt thự. Do vậy, khi áp dụng sắc thuế tài sản, thì phải đồng thời thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm đi.

HoREA cũng đề nghị khi xây dựng Luật thuế tài sản, thuế nhà, đất vào thời điểm sau năm 2020, thì cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, như chưa nên đánh thuế đối với nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn, hoặc người chỉ có 1 nhà để ở, có giá trị dưới 1 tỷ đồng ở đô thị, hoặc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.

                                                      Tin, ảnh: Thục Vy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HoREA kiến nghị chưa nên thí điểm thu thuế tài sản trên địa bàn TPHCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO