Tham dự có các thành viên Hội đồng là đại diện các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Công thương; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, trong những năm qua, tại Việt Nam, viễn thám đã và đang được ứng dụng có hiệu quả và là công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong tương lai, các sản phẩm giá trị gia tăng từ thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám ngày càng đa dạng với nhiều loại thông tin, dữ liệu có độ phân giải cao và thời gian truyền dữ liệu đạt thời gian cận thực. Điều này cho phép công nghệ viễn thám có thể ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực mà các phương pháp viễn thám truyền thống trước đây còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về độ chính xác thông tin thu nhận. Những ứng dụng mới có thể cung cấp tần suất liên tục hơn, ở quy mô rộng như các vùng sâu, xa, ngoài biên giới, khu vực đặc biệt nguy hiểm với độ chính xác cao.
Như vậy, có thể thấy các sản phẩm từ công nghệ viễn thám phục vụ tất cả các ngành, lĩnh vực là nhu cầu tất yếu của một xã hội hiện đại, giải phóng sức lao động của con người. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một đề án nào có tính bao quát đầy đủ, chưa có sự phối hợp trong triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội |
Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ TN&MT đã đề xuất triển khai xây dựng Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là đề án quan trọng, là cơ sở, tiền đề góp phần ứng dụng viễn thám hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thám.
Đồng thời, Đề án đặt mục tiêu nhằm đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa công nghệ viễn thám trở thành một công cụ hữu dụng phục vụ công tác quản lý, giám sát đa ngành, đa lĩnh vực. Thông qua đó xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia chia sẻ cho các Bộ, ngành, địa phương; Cung cấp các thông tin cập nhật về hiện trạng, diễn biến, quá trình hình thành và sử dụng, khai thác của một đối tượng góp phần quản lý và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo ông Lê Quốc Hưng, đây là nhiệm vụ liên ngành, liên vùng nhằm tạo lập được hệ thống cho phép kịp thời cập nhật các thông tin, dữ liệu giám sát bằng viễn thám, góp phần chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu không gian thuận tiện, giữa các Bộ, ngành, địa phương, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận gần hơn với các thông tin, dữ liệu, góp phần đảm bảo sinh kế và phát triển bền vững.
Theo đó, Đề án tập trung xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia chia sẻ, dùng chung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên ứng dụng hiệu quả viễn thám đối với các hoạt động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; ứng dụng viễn thám về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển theo quy hoạch (quy hoạch đô thị; dự báo và thiết kế quy hoạch; đánh giá quá trình đô thị hóa tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp cải tạo môi trường đô thị…); ứng dụng viễn thám về giao thông vận tải; ứng dụng viễn thám về công thương (đánh giá tiềm năng điện gió/ năng lượng mặt trời) và các hoạt động khác.
Góp ý tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, Hội đồng thẩm định cũng đã có những góp ý hết sức chi tiết, cụ thể để hoàn thiện Dự thảo Đề án về nội dung, phạm vi thực hiện, giải pháp thực hiện, sản phẩm của Đề án và cách thức tổ chức thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Sau khi nghe đại diện các Bộ, ngành chức năng tham gia ý kiến, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Xuân Trường cám ơn các thành viên trong Hội đồng đã có những ý kiến trách nhiệm và rất giá trị để triển khai ứng dụng, phát triển lĩnh vực viễn thám trong thời gian tới.
Việc xây dựng Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” là hết sức cấp thiết, đòi hỏi khách quan, vì vậy, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Trường đề nghị Cục Viễn thám quốc gia tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, hoàn tất hồ sơ báo cáo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.