Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Cora van Nieuwenhuizen. Dự hội thảo còn có đại diện Đại sứ quan Hà Lan tại Việt Nam, Neso Việt Nam; đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT; trường Đại học Thủy lợi, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Bộ TN&MT (phía Việt Nam); trường Đại học Công nghệ Delft, trường Đại học Twente (phía Hà Lan); đại diện các đối tác Việt Nam, Hà Lan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá cao về sự hợp tác giữa các trường đại học của Hà Lan và Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực về tài nguyên nước theo định hướng thực hành, thực tập và phù hợp với thị trường lao động cũng như lĩnh vực nước nói riêng. “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý tài nguyên nước là một vấn đề mang tính tổng hợp, liên ngành, liên quốc gia. Nguồn nhân lực được đào tạo đó sẽ phục vụ cho việc đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước và truyền thông về bình đẳng giới… những vấn đề đang được cả thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Điều này đã được các đối tác Hà Lan và Việt Nam thực hiện rất tốt tại các kết quả của dự án Ni-chê do Chính phủ Hà Lan tài trợ giai đoạn 2012 – 2016” – Thứ trưởng cho biết.
"Kế thừa các kết quả đã đạt được từ dự án Ni-chê, trong khuôn khổ Chương trình tri thức màu da cam OKP, Dự án “Khí hậu Việt Nam – Hợp tác giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng Việt Nam” đã được Chính Phủ Hà Lan đồng ý viện trợ với thời gian thực hiện 03 năm (2019 – 2021). Các trường đại học của Việt Nam (Trường Đại học TN&MT Hà Nội; Đại học Thủy Lợi; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường) cùng với các trường đại học phía Hà Lan (Trường đại học Công nghệ Delft, Đại học ITC Twente; đại học Khoa học ứng dụng Utrecht) đã hợp tác cùng nhau xây dựng dự án. Trong đó, hợp tác trong giáo dục đại học và sau đại học về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước được củng cố và được nâng lên một tầm mới. Việc hợp tác cũng tập trung vào việc nâng cấp các chương trình giáo dục đại học và sau đại học, đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng thực hành, thực tập và định hướng nghề nghiệp cho nguồn nhân lực trong tương lai cũng như các cán bộ chuyên trách làm công tác tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương. Mạng lưới hợp tác giữa các đối tác công, tư của Hà Lan và Việt Nam được tăng cường với mục tiêu tư vấn cho chương trình đào tạo và cung cấp cơ hội khởi nghiệp, cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm.
Thứ trưởng mong rằng dự án hợp tác giáo dục trong khuôn khổ Chương trình tri thức màu da cam sẽ trở thành một dấu mốc đáng ghi nhận cho sự hợp tác hiệu quả, bền vững giữa hai quốc gia cũng như sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều tổ chức, nhiều cá nhân của Việt Nam và Hà Lan.
Đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục và nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Cora van Nieuwenhuizen cho biết: “Việt Nam và Hà Lan đều đối mặt với các thách thức giống nhau như BĐKH, đô thị hóa, công nghiệp hóa và sụt lún. Chúng ta đều có những vùng đồng bằng châu thổ rất dễ bị tổn thương. Điều đó làm chúng ta rất tương đồng về điều kiện tự nhiên. Một số thách thức này đã biểu hiện và thể hiện ảnh hưởng. Ví dụ ở Hội An, các khu nghỉ dưỡng đang bị đe dọa bởi xói lở bờ biển. Rất nhiều thành phố gặp khó khăn trong việc cung cấp nước sạch vì nguồn nước bị nhiễm mặn. Dư lượng thuốc làm cho việc xử lý nước thải phức tạp thêm. Hà Lan cũng gặp những vấn đề tương tự như vậy. Đó là những vấn đề cần phải có giải pháp ngay hiện tại và cho tương lai”.
Theo Bộ trưởng Cora van Nieuwenhuizen, chương trình Tri thức Vàng (OKP) “Khí hậu Việt Nam – Hợp tác cùng nhau giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng của Việt Nam” đặt ra mục tiêu: Tăng thêm số nhân lực về nước; hợp tác nghiên cứu mang lại lợi ích cho cả 2 nước Việt Nam và Hà Lan; tăng cường sự liên hệ với thị trường việc làm.
Trong khuôn khổ hội thảo, trường Đại học Thủy lợi và Đại học TN&MT Hà Nội có phần giới thiệu ngắn về dự án OKP và dự án nghiên cứu tại Hồ Tây. Lãnh đạo Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan thả robot xuống Hồ Tây để khởi động dự án, demo thí nghiệm đo nước tại Hồ Tây và demo tạo sóng nước tại Hồ Tây. Các đối tác Việt Nam và Hà Lan cũng trao đổi sôi nổi về các hoạt động hợp tác.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi lễ: