Hợp tác công tư trong phát triển vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên

21/10/2017 00:00

(TN&MT) – Để hợp tác công tư trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự đồng thuận của người dân, cần quan tâm đến lợi ích mà người dân được hưởng, phù hợp với trình độ, văn hoá và tập quán. Đây là vấn đề then chốt được nhiều tham luận và các ý kiến tham gia tại “Diễn đàn xúc tiến hợp tác công tư trong phát triển dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên năm 2017” vừa được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông ngày 19/10/2017.

Diễn đàn do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Đắk Nông, Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Tại diễn đàn, có nhiều tham luận đáng chú ý như: Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan với đề tài “Hợp tác công tư và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - Câu chuyện nhiều bên cùng có lợi”. Bà Phạm Chi Lan cho rằng: Hợp tác công tư rõ ràng có thể mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và địa phương, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất lớn nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Song hợp tác công tư phải phù hợp với đường hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương của vùng kinh tế và cả quốc gia. Trong đó, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, và tạo thuận lợi để doanh nghiệp và xã hội tham gia nhiều hơn.

Hợp tác công tư chỉ có thể thực hiện tốt khi có cơ chế minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên; năng lực thực sự của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp khi thực hiện dự án; sự tham gia từ đầu của xã hội và người dân nơi có dự án và giám sát của nhà nước trong suốt quá trình thực hiện để dự án. Điều này sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân khi phải nhường một diện tích đất không nhỏ để thực hiện các dự án, cái chính người dân nhìn nhận rõ nét lợi ích thực sự của mình khi dự án được triển khai đi vào hoạt động, đời sống vật chất tinh thần sẽ phát triển cho cả vùng.

Nhiều tham luận được trình bày  tại diễn đàn
Nhiều tham luận được trình bày tại diễn đàn

Ông Hoàng Trung Định - Bộ Kế hoạch Đầu tư trình bày về “Hợp tác công tư, giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Chủ trương và Chính sách của Chính phủ Việt Nam”. Trong đó, các giải pháp được đưa ra là: Cần có quyết tâm chính trị và tham gia tích cực, có trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương trong việc huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Ưu tiên sử dụng ngân sách trung ương để phát triển sản xuất góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân; nhất là đầu tư vào các huyện nghèo; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp để cấp xã và cộng đồng dân cư tự thực hiện các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản nhằm nâng cao hiệu quả vốn, giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình. Đồng thời, địa phương vùng dự án cần ưu tiên việc cân đối, bố trí vốn đối ứng để thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong hợp tác công tư, cần tăng cường ưu đãi, tháo gỡ khó khăn trong huy động tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng thông thoáng các thủ tục, điều kiện vay; hoàn thiện chính sách và mở rộng bảo hiểm cho nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro cho người dân và doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo môi trường đầu tư cạnh tranh, lành mạnh cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển.

Hợp tác công tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần ngắn với quyền lợi của người dân
Hợp tác công tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần ngắn với quyền lợi của người dân

Ông Fabien Montials Cố vấn trưởng chương trình UN-REDD nói về cơ hội kinh tế dựa vào Rừng tại Việt Nam. Ông chia sẻ: Rừng là yếu tố hết sức quan trọng trong phòng chống biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp hiện nay, găn dòng chảy chống xói mòn hạn chế lũ lụt trong mùa mưa đồng thời giữ nước chống hạn trong mùa khô khốc liệt. Nhất là khu vực Tây Nguyên, hàng năm mỗi khi mùa khô đến tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng, thiếu nước sinh hoạt cho người dân đang là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Do đó, việc phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, lợi dụng nguồn lợi từ rừng để phát triển kinh tế bền vững là cần thiết. Trong đó, có thể phá triển các dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng được coi là phương pháp hiệu quả. Song vấn đề này Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng đang thực hiện không hiệu quả.

Diễn đàn cũng nhận được nhiều tham luận đề xuất các giải pháp làm thế nào để hợp tác công tư trong phát triển vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả như: Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới - ông Trần Hữu Nghị chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác công tư trong phát triển rừng gắn với sự phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Ông Lê Văn Hải - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng nói về hợp tác công tư trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường.

Điều hành diễn đàn, và phát biểu tại diễn đàn cả Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - ông Hà Ngọc Chiến; Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - ông Đỗ Văn Chiến, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và các tổ chức tham gia đều nhận định: Giải pháp hiệu quả vẫn là phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền sở tại tham gia trực tiếp cùng với sự minh bạch hoá các thông tin để người dân biết cùng tham gia. Điều quan trọng nhất là người dân phải được biết, được giám sát và cùng chia sẻ lợi ích, mang lại sự phát triển chung cho cả vùng là điều then chốt./.

Đình Thắng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác công tư trong phát triển vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO