Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018 chuyển biến tích cực
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 trong hai ngày (ngày 31/7 và 01/8) để thảo luận về công tác xây dựng thể chế và tình hình kinh tế-xã hội trong 7 tháng đầu năm 2018.
Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn một số nội dung quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội. Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định, kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kết quả tháng 7 tốt hơn tháng 6. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.
Cụ thể, CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước sau 3 tháng tăng liên tiếp (tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%). CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước.
Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá, nổi bật nhất là ngành Thủy sản với sản lượng ước tăng khoảng 5,7%. Khu vực công nghiệp tăng trưởng rất tích cực, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 7 tăng mạnh 14,3% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ đầu tháng 2/2018 đến nay.
Khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 doanh nghiệp (tăng 3,9% so với cùng kỳ 2017). Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 doanh nghiệp (tăng 6,5% so với cùng kỳ).
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được về tình hình kinh tế-xã hội, tình hình bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thiên tai trong 7 tháng năm nay đã làm 78 người chết và mất tích, 64 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 1,7 nghìn tỷ đồng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, tại phiên họp, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân vùng thiên tai.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, sạt lở để chủ động các phương án ứng phó; kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều hồ chứa thủy lợi, thủy điện…; bảo đảm tốt việc cung ứng lương thực, hàng hóa, không để đồng bào vùng bị thiên tai thiếu đói, thiếu thực phẩm, nước uống, không để giá nông sản thực phẩm tăng cao.
Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành không được để mất cảnh giác trong công tác phòng chống thiên tai. Đây phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của các cấp, các ngành; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong công tác phòng chống thiên tai.
Xử lý các sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018: Không có vùng cấm
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo giải trình với Chính phủ và nhận trách nhiệm đối với vụ việc này. Về vụ việc gian lận ở tỉnh Sơn La, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin: “Hiện nay Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại để phục hồi điểm gốc. Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan Công an để có phương án xử lý phù hợp, bảo đảm công bằng cho các thí sinh”.
Trả lời câu hỏi của PV Hồng Vân (báo Tuổi trẻ) về việc còn có những địa phương có dấu hiệu bất thường, gian lận trong thi cử thì hướng xử lý của Bộ GD&ĐT như thế nào, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Nếu các địa phương phát hiện ra sai phạm thì Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương làm việc với cơ quan Công an địa phương trực tiếp xử lý theo đúng quy định, bảo đảm công bằng cho các thí sinh, không có vùng cấm, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp sai phạm.
“Về xử lý các Sở GD&ĐT, theo phân cấp quản lý, các Sở GD&ĐT thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, ngoài những trường hợp bị xử lý hình sự, những cá nhân sai phạm sẽ do lãnh đạo các tỉnh, thành phố xử lý theo Luật Công chức, Luật Viên chức” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Về hướng khắc phục trong kỳ thi năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã báo cáo trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát toàn bộ quy trình, các khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện cho phù hợp; nâng cao nghiệp vụ thi đồng thời nâng cao năng lực, đạo đức của các bộ làm nhiệm vụ tại kỳ thi, nhấn mạnh sự trung thực, đạo đức của những cán bộ làm nhiệm vụ trong kỳ thi; hoàn thiện phần mềm chấm thi để những đối tượng có ý đồ xấu cũng khó có thể thực hiện; phương thức tổ chức chấm đối với bài thi trắc nghiệm có thể hướng tới chấm tập trung, theo cụm.