Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020

Khương Trung | 03/08/2020 18:52

(TN&MT) - Chiều tối 3/8, tại Hà Nội, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.2020 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Cùng tham dự buổi họp báo có lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.

Buổi họp báo diễn ra ngay sau khi Chính phủ vừa họp phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Về tình hình kinh tế vĩ mô, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,39% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì phiên Họp báo Chính phủ

Lạm phát cơ bản tháng 7.2020 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Về thị trường tiền tệ, ngoại hối chính sách tiền tệ, tỷ giả được thực hiện chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, phù hợp với cung cầu và tín hiệu thị trường với mục tiêu góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.

Về thu, chi ngân sách nhà nước, tính đến tháng 7/2020, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 779,8 nghìn tỉ đồng, bằng 51,6% dự toán, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 855,5 nghìn tỉ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Về đầu tư phát triển, tính chung 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 203 nghìn tỉ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 41,6% và tăng 4,7%).

Tính đến ngày 20/7/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư  ngoài đạt 18,8 tỉ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các lĩnh vực lao động, việc làm; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; văn hoá, thể dục, thể thao; thông tin tuyền thông tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Các địa phương đã quyết liệt thực hiện ngay lập tức các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan trở lại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Về tình hình lao động, việc làm đã có dấu hiệu hồi phục, nhiều lĩnh vực cho thấy có tín hiệu tốt của các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường.

Trong tháng 7/2020, cả nước đã tạo việc làm cho 120 nghìn người; ước 7 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho trên 694 nghìn người, đạt 43,1% kế hoạch, bằng 75,6% cùng kỳ; đưa trên 35 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 43,5% cùng kỳ năm 2019.

Đối với vụ việc xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm cao với mục tiêu kép là khoanh vùng dập dịch kịp thời, liên tục với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho TP. Đà Nẵng. Đối với công tác dập dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch thì sẽ có sự phân tích cụ thể từng vùng để vừa đảm bảo mục tiêu vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, với mục tiêu chống dịch như chống giặc, với tinh thần thần tốc, cương quyết, mỗi người dân đều là chiến sĩ trên mặt trận chống dịch bệnh.

Đồng thời, chúng ta đã chỉ đạo trên tinh thần không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Thủ tướng là với chủ trương lớn là không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến cũng như làm việc với một số tỉnh, thành phố lớn (như TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông động lực tăng trưởng. 

Hiện nay, các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021. 

Về vấn đề lớn mà xã hội rất quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện có nhiều ý kiến về vấn đề này. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo thêm với Chính phủ về phương án tổ chức để có một kỳ thi tốt đẹp, an toàn, để người dân yên tâm. Đối với các địa phương có ca nhiễm COVID-19 có rõ nguồn gốc lây lan thì sẽ khoanh vùng khu vực đó và lên kế hoạch tổ chức kỳ thi đảm bảo lợi ích và quyền lợi cho các em học sinh và gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO