Năm 2016 vừa qua, một trong những việc làm quan trọng của Cục Nghệ thuật biểu diễn là hoàn thiện đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống trên cả nước.
Động thái này nhằm khắc phục tình trạng khủng hoảng nhân lực ở một số bộ môn như cải lương, tuồng, chèo, dân ca kịch… Nhìn vào các nhà hát hiện nay thì số lượng nghệ sĩ biểu diễn từ 40 tuổi trở lên đang chiếm đa số, nếu không có sự chuẩn bị đội ngũ kế thừa hợp lý thì sẽ tạo ra nhiều khoảng trống khó bù đắp. Đó là chiến lược tầm quốc gia, còn trên thực tế, thật đáng mừng từ các sân chơi tương tác trên truyền hình, đã hé lộ nhiều tài năng nhí theo đuổi dòng nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc! Khoảng một thập niên trước, sân khấu ca nhạc từng có nhiều thần đồng nhưng hầu hết đều không trụ được lâu và không có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, trường hợp Phương Mỹ Chi bước ra từ cuộc thi “Giọng hát Việt nhí 2013” đã trở thành một tín hiệu lạc quan. Dù tại chương trình “Giọng hát Việt nhí 2013”, Phương Mỹ Chi chỉ đứng thứ hai, sau Quang Anh, nhưng Phương Mỹ Chi lập tức trở thành một hiện tượng nhờ những bài hát mang giai điệu quê hương.
Ca sĩ 'nhí' Phương Mỹ Chi |
Công bằng mà đánh giá, Phương Mỹ Chi không có nét đẹp của một thiên thần, cũng không giỏi vũ điệu. Thậm chí, cặp kính cận trên khuôn mặt cô bé còn tạo ra nét ngây ngô quê mùa. Vậy mà, Phương Mỹ Chi lại quyến rũ công chúng bởi giai điệu nhẹ nhàng và sâu lắng của “Sa mưa giông”, “Nhớ mẹ lý mồ côi”, “Chiếc áo bà ba” hoặc “Chuyến đò quê hương”. Người lớn hát nhạc trữ tình thì nhiều, nhưng tuổi thiếu niên hát nhạc trữ tình thì quý hiếm. Chính giọng hát của Phương Mỹ Chi đã nảy nở một xu hướng thưởng thức mới và góp phần kích hoạt những tài năng nhí tiếp theo. Có hoàn cảnh còn khó khăn hơn Phương Mỹ Chi, cậu bé 13 tuổi Hồ Văn Cường ở ấp Phú Trung, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã đăng quang “Thần tượng âm nhạc nhí 2016” một cách ngoạn mục. Nhà nghèo, quanh năm làm thuê làm mướn chỉ đủ hai bữa cơm, mẹ của Hồ Văn Cường đã phải đi vay 500 ngàn đồng để đưa con trai đi thi ca hát. Ngoài năng khiếu thiên bẩm, Hồ Văn Cường có lối hát ngọt ngào và mộc mạc rất đặc trưng nông dân miền Tây sông nước. Hai ca khúc “Bà Năm” và “Còn thương rau đắng mọc sau hè” đã giúp Hồ Văn Cường giành được ngôi vị quán quân “Thần tượng âm nhạc nhí 2016”. Rời cuộc thi, cậu bé Hồ Văn Cường có một may mắn khác là được ca sĩ Phi Nhung nhận làm con nuôi để đưa lên Sài Gòn ăn học.
Ca sĩ 'nhí' Hồ Văn Cường |
Khác hẳn Phương Mỹ Chi và Hồ Văn Cường, cậu bé Trịnh Nhật Minh sinh ra trong một cái nôi nghệ thuật. Bố là nghệ sĩ chèo Trịnh Nam Cường còn mẹ là ca sĩ Hạnh Nhân, nên từ nhỏ Trịnh Nhật Minh đã quen với ánh đèn sân khấu. Sớm tiếp xúc với đàn, với ca, với diễn, Trịnh Nhật Minh thể hiện chất giọng của mình rất tự tin. Trong đêm chung kết xếp hạng “Giọng hát Việt nhí 2016”, Trịnh Nhật Minh đã phát huy thế mạnh của mình bằng trích đoạn chèo “Phù thủy sợ ma” với sự hỗ trợ trực tiếp từ người cha. Phải thừa nhận, Nhật Minh chơi trống rất điêu luyện. Cách gõ dùi, cách giữ nhịp chứng tỏ Nhật Minh không thể nhờ vài ba buổi luyện tập mà thành! Đó là một màn trình diễn thuyết phục. Tuy nhiên, cách hát của Nhật Minh khi thể hiện các ca khúc như “Đá trông chồng” hay “Mẹ tôi” thì ai cũng nhận ra đó là sản phẩm đã được đào tạo kỹ lưỡng. Xem Trịnh Nhật Minh trình diễn, người hờ hững thì thấy thích thú, còn người sâu sắc sẽ thấy băn khoăn. Bởi lẽ, Trịnh Nhật Minh không giống một đứa trẻ ca hát mà giống như một ca sĩ trưởng thành bị thu nhỏ hình hài lại. Ca sĩ Hạnh Ngân nói về con trai: “Ngôi vị quán quân không phải cái đích cuối cùng Trịnh Nhật Minh vươn tới, mà chúng tôi muốn cháu khi làm bất cứ việc gì cũng đều có sự tập trung cao độ, sự đầu tư và chỉn chu tới nơi, tới chốn. Bởi sau sân khấu còn là cuộc đời rộng lớn. Có thể Trịnh Nhật Minh bây giờ còn nhỏ, nhưng chẳng phải một cái cây nên uốn nắn từ khi còn nhỏ dại hay sao…”
Ca sĩ 'nhí' Trịnh Nhật Minh |
Chỉ cần nhắc đến ba ví dụ Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường và Trịnh Nhật Minh đã có thể chứng minh rằng hơi thở của nghệ thuật truyền thống vẫn đang được tiếp nối giữa các thế hệ. Thiên tài đột biến thì hiếm hoi, còn nhân tài luôn hiện diện trong dân gian. Vấn đề quan trọng là làm sao vun đắp những tài năng nhí ấy. Nếu các bậc phụ huynh vội vàng xem con em mình như một cỗ máy kiếm tiền thì những cuộc chạy show sẽ nhanh chóng làm thui chột năng lượng vốn có ở những đứa trẻ đặc biệt. Không có gì đáng lo ngại bằng chuyện Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường hoặc Trịnh Nhật Minh vì những lời mời mọc mà đua nhau hát bolero để chiều chuộng thị hiếu đương thời. Trước mắt, các em cần được học hành đến nơi đến chốn. Trình độ văn hóa sẽ giúp rèn giũa bản lĩnh nghệ thuật cho những tài năng trưởng thành. Ở nước ta chưa có trường lớp nào có giáo trình bài bản để đào tạo tài năng nhí. Do đó, gia đình là một bệ phóng vững chắc, vừa nâng đỡ vừa khuyến khích các gương mặt đam mê nghệ thuật truyền thống. Với những ca sĩ nhí hát chèo, hát dân ca, hoặc hát cải lương thì đừng vội gò ép các em theo tiêu chuẩn ngôi sao. Bởi lẽ, giai đoạn dậy thì sẽ có sự thay đổi rất lớn về thể chất cũng như về cột hơi. Bồi dưỡng yếu tố thẩm mỹ và tình yêu nghệ thuật truyền thống cho các tài năng nhí mới là hành động cần thiết nhất!
Theo nongnghiep.vn