Hội thảo “Xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững vùng Duyên hải miền Trung”

29/03/2014 00:00

(TN&MT) - Sáng 29/3, Ban tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam năm 2014 tổ chức Hội thảo khoa học “Xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững vùng Duyên...

   
(TN&MT) - Sáng 29/3, tại TP Tuy Hòa, Phú Yên, Ban tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam năm 2014 tổ chức Hội thảo khoa học “Xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững vùng Duyên hải miền Trung”.
   
   
  Tham dự có đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban điều phối Vùng các tỉnh Duyên hải miền Trung; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong khu vực Duyên hải miền Trung; các nhà khoa học, nghiên cứu đến từ các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu trong nước; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động, công tác trong ngành thủy sản 9 tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận)...
   
  Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng thuộc Ban điều phối Vùng Duyên hải miền Trung khẳng định: Trong những năm qua, ngành thủy sản đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế và có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là chiến lược biển, đảo.
   
  Theo Bộ NN-PTNT, năm 2013, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt trên 6 triệu tấn, tăng gần 2,47 lần so với năm 2001. Trong đó, sản lượng khai thác đạt hơn 2,7 triệu tấn (tăng hơn 1,56 lần so với năm 2001) và nuôi trồng đạt hơn 3,34 triệu tấn. Hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản đạt 6,7 triệu USD, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và chiếm 5,07% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngành thủy sản đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 4 triệu lao động, góp phần đặc biệt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
   
   
  Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết thêm, đến hết năm 2012, giá trị sản xuất toàn ngành của Vùng Duyên hải miền Trung đạt 27.337,55 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 34,15% giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản và chiếm gần 5% giá trị xuất khẩu chung của Vùng; trong đó giá trị thủy sản khai thác đạt hơn 2.384 tỷ đồng. Ngành thủy sản cũng đã tạo thêm công ăn việc làm, nguồn thu nhập quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, mức sống ngư dân trong Vùng, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
   
  Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng đã đặt ra ba vấn đề lớn cần bàn tại hội thảo: Đó là việc hỗ trợ chính sách cho ngư dân có đúng, đủ so với tình hình thực tế?. Nguyên nhân vì sao việc đánh bắt chưa trở thành thành động lực phát triển đồng bộ?. Nghề đánh bắt truyền thống của ngư dân có phù hợp với nhu cầu hội nhập?. Từ thực tế nay, Tiến sỹ đề ra 4 giải pháp: Nên rà soát lại chính sách hỗ trợ về đầu tư vốn, cơ chế, thời hạn cho vay ưu đãi trên tinh thần ngư dân hình thành việc đóng tàu, đánh bắt trong tương lai. Ưu tiên xây dựng một trung tâm hậu cần nghề cá tại vùng Duyên hải miền Trung (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất Chính phủ xây dựng 5 trung tâm hậu cần nghề cá) có quy mô khu neo đậu tàu thuyền, nhà máy chế biến thủy sản, khu thương mại, đào tạo nghề đánh bắt thủy sản; gắn việc đánh bắt, thương mại với nâng cao hiệu quả công nghiệp chế biến, vì hiện trong vùng có 132 doanh nghiệp chế biến thủy sản nhưng hoạt động chưa đạt yêu cầu. Đào tạo đội ngũ đánh bắt xa bờ trong điều kiện, tình hình mới bảo đảm chất lượng, thân thiện mới môi trường, vì hiện nay hầu hết ngư dân chưa được qua đào tạo bàn bản (trong vùng khoảng 2.000 lao động). Xúc tiến thương mại phải gắn đánh bắt, chế biến đảm bảo chất lượng, biết tìm kiếm thị trường để mang lại hiệu quả, đồng thời chọn sản phẩm chủ lực để đầu tư trước như cá ngừ đại dương.
   
   
  Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, miền Trung có tiềm năng thủy sản lớn với “biển bạc”, được quan tâm của Đảng và Nhà nước, cộng với ngư dân cần cù nhưng hiện vẫn họ vẫn chưa thể giàu lên. Vì vậy, giải pháp đặt ra là phải phát triển ngành du lịch “đẳng cấp cao” nhằm hướng cho du khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước một cái nhìn rõ nét, cụ thể về tiềm năng thủy sản ở miền Trung. Có chiến lược lâu dài, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt vươn xa hơn như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, chứ không chỉ ở vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Thay đổi cách nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phải tính đến “đẳng cấp”, chế biến thành đặc sản của miền Trung để thu hút, tạo đột phá phát triển. Ngoài chính sách hỗ Trợ của Đảng và Nhà nước, cần đưa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư cả trong lĩnh vực du lịch và thủy sản.
   
  Trong khi đó, theo ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cần phải thay đổi tư duy nhìn nhận vấn đề đầu tư vì ngân sách Nhà nước có hạn. Chính vì vậy, nên tập trung đầu tư vào những ngành, nghề mang lại hiệu quả cao, sức lan tỏa lớn. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho các địa phương. Ngoài ra, trong xúc tiễn thương mại, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, từng doanh nghiệp phải phát huy năng lực, giảm chí phí và có tính cạnh tranh cao; tránh độc quyền, mà chủ động hội nhập, liên kết quốc tế.
   
  Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nêu ra thực trạng xúc tiến thương mại trong ngành thủy sản hiện nay; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp, định hướng phát triển bền vững ngành thủy sản Vùng Duyên hải miền Trung trong thời gian tới.
   
  Bài & ảnh: Phương Nam
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo “Xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững vùng Duyên hải miền Trung”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO