Hội thảo "An ninh môi trường và hàng hải vì một biển Đông xanh"

11/10/2016 00:00

(TN&MT) - Trong 2 ngày 11 và 12/10/2016, tại TP. Hải Phòng, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hải Phòng phối hợp với Hội Thiên nhiên và Môi trường biển...

 

(TN&MT) - Trong 2 ngày 11 và 12/10/2016, tại TP. Hải Phòng, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hải Phòng phối hợp với Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “An ninh Môi trường và Hàng hải vì một Biển Đông xanh”.

Tham dự Hội thảo có khoảng 150 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế liên quan; bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý quốc tế và trong nước có chuyên ngành chuyên sâu về tài nguyên và môi trường biển, về an toàn hàng hải và hàng không, về luật biển quốc tế và đã có những quan tâm, nghiên cứu tình hình Biển Đông hiện nay, như: GS.TS. John W. McManus (Đại học Tổng hợp Miami, Mỹ), GS. TS. Annette Juinio-Menez (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philipin), GS.TS. Go Ito (Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị, Đai học Tổng hợp Meiji, Nhật Bản), GS.TS. Eric David (Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Tự do, Bỉ), TS. Jean Vincent Brisset (Giám đốc nghiên cứu của IRIS, Pháp), GS.TS. Devinder Grewal (Đại học Hàng hải Thế giới), GS.TS. Rajesh Sharma (Đại học RMIT, Úc), TS. Alberto A. Encomienda (Cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippin, chuyên gia Tư vấn các vấn đề biển, Philippines), TS. Youna Lyons (Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Tổng hợp Singapore), TS. Duncan Currie (Tổ chức Hòa bình xanh), PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn (Viện trưởng Viện Hải dương học), Đại sứ Nguyễn Quý Bính, thành viên Việt Nam tại Tòa Trọng tài thường trực PCA, TS. Trần Công Trục (Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ), PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đại học RMIT Việt Nam,…

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng cho biết: Biển Đông là vùng biển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực và toàn bộ cộng đồng quốc tế. Biển Đông vừa là khu vực biển có giá trị cao về mặt khoa học và môi trường đồng thời có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế và sự ổn định của khu vực cũng như trên thế giới.

Biển Đông, một vùng biển nửa kín được bao bọc bởi hầu hết các quốc gia ASEAN và Trung Quốc, có vị trí địa chiến lược trọng yếu đối với cả các quốc gia trong và khu vực cũng như đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế. Là nơi mà hàng năm giá trị hàng hóa ước khoảng 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua khu vực, việc bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không cho khu vực Biển Đông có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của kinh tế và ổn định cho khu vực cũng như thế giới. Bên cạnh đó, Biển Đông cũng là một khu vực biển có giá trị cao về mặt khoa học và môi trường, là  địa bàn sinh sống của 70% dân số khu vực Đông Nam Á…

Tuy nhiên, Biển Đông đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng tăng về môi trường, tài nguyên biển, về tự do hàng hải và hàng không liên quan tới cách ứng xử của con người. Có thể thấy, hoạt động và khai thác quá mức các nguồn lợi hải sản, sự gia tăng các hành vi hủy hoại môi trường, làm mất dần các hệ sinh thái trong và lân cận các quần đảo san hô ở ngoài khơi Biển Đông, nguy cơ xả thải rác, chôn lấp các loại chất thải… gần đây đã và đang xảy ra với tốc độ đáng lo ngại đã có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái Biển Đông và hệ quả là tác động trực tiếp đến con người.

Bày tỏ sự nuối tiếc về môi trường của Biển Đông đang bị hủy hoại, TS Annette Junio Menne, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines khẳng định ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau.  Đây là ngôi nhà của 3.000 loài sinh vật. Tuy nhiên việc xây dựng, bồi đắp biển các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Nhiều khu vực của rạn san hô và bãi trầm tích đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn về lâu dài cho môi trường. "Về khía cạnh kinh tế, mỗi năm thế giới mất ít nhất 4 tỉ đô la vì các hoạt động khai thác bừa bãi ở rạn san hô trên Biển Đông của Trung Quốc. “Điều đó không chỉ vi phạm hòa bình mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trên Biển Đông nữa”, TS Annette Junio Menne nói.

Thời gian qua, đã có rất nhiều nỗ lực của các quốc gia trong khu vực, trên cơ sở song phương và đa phương, tìm cách giải quyết các thách thức cả về vấn đề tự do hàng không, hàng hải và các thách thức môi trường nêu trên nhằm duy trì hòa bình, ổn định và bảo vệ bền vững môi trường sinh thái ở Biển Đông. Những diễn biến gần đây, trong đó có việc ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, trong đó đề cập nhiều nội dung về vấn đề môi trường ở Biển Đông càng cho thấy tính cấp bách của việc hợp tác, duy trì an ninh môi trường và hàng hải ở Biển Đông.

Tại hội thảo, PGS.TS Chu Hồi, Chủ tịch Hội thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam cho biết: “Mấu chốt quan trọng cho vấn đề Biển Đông là thái độ ứng xử giữa các bên. Trong đó việc các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chia sẻ thông tin, đưa ra giải pháp là rất quan trọng. Ngay trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc thì tài liệu về Biển Đông của các học giả cũng được coi là một chứng cứ quan trọng để ra được phán quyết”.

“Phán quyết là một tiền đề cơ bản cho những thảo thuận, hành động tiếp theo. Chúng ta cần phải hiểu rằng vấn đề trên biển rất phức tạp, cần có sự tiếp cận liên ngành, liên giới. Có rất nhiều vấn đề như an ninh, khai thác, chủ quyền… nên sẽ rất khó để có tiếng nói toàn diện. Nhưng hãy bắt đầu từ 1 phương diện cụ thể nào đó, ví dụ như vấn đề môi trường. Dần dần chúng ta sẽ có tiếng nói chung, chia sẻ thông tin với nhau và tiến tới thỏa thuận cơ chế đặc biệt. Một bức tranh tổng thể về Biển Đông cần có nhiều nét vẽ”, TS Masanori Muto, đại diện Viện nghiên cứu Mitsubishi, Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản cho biết.

 

Mục tiêu của Hội thảo khoa học lần này nhằm: Tạo diễn đàn trao đổi và đối thoại giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý và chuyên gia quốc tế và trong nước về các vấn đề và thách thức đối với an ninh môi trường biển, an toàn và an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; Chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các thực tiễn tốt cho việc xây dựng một Biển Đông xanh; Đề xuất các sáng kiến và các giải pháp ‘xanh’ để đảm bảo an ninh môi trường, an toàn và an ninh hàng hải và hàng không trên Biển Đông trong bối cảnh ‘Hậu phán quyết’; Tăng cường và mở rộng mạng lưới nghiên cứu khoa học biển về Biển Đông giữa các nhà khoa học Việt Nam và cộng đồng kho học quốc tế.

Việc bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển và gìn giữ ‘nguồn vốn tự nhiên biển’ hướng tới một Biển Đông xanh là một nhu cầu thực tế cấp thiết. Đây là con đường để các nước trong khu vực phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng một vùng biển hòa bình và ổn định.

Thông qua hội thảo quốc tế lần này, các nhà khoa học và quản lý tham dự muốn chuyển đi một Thông điệp: ‘Hãy chung tay xây dựng một Biển Đông xanh – một vùng biển lành mạnh (healthy ocean), thịnh vượng (prosperious ocean) và hòa bình (peaceful ocean)!’. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác khoa học trong các lĩnh vực liên quan đến chủ đề hội thảo.

Trong thời gian hội thảo, đã tổ chức một góc trưng bày về ‘Môi trường Biển Đông và hoạt động nghiên cứu, bảo vệ môi trường biển của Hải Phòng’ và tham quan thực tế vùng ven biển, đảo TP Hải Phòng.

Hà Thúy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo "An ninh môi trường và hàng hải vì một biển Đông xanh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO