Sâm Báo là loài sâm mọc trên núi Báo ở làng cổ Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), là sản vật xưa kia chỉ dùng để dâng vua, tiến chúa và được mệnh danh là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Sâm Báo có tác dụng bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, giúp ăn ngon ngủ tốt, chữa suy nhược thần kinh.
Những năm qua, người dân hiểu được giá trị và nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều. Đồng thời nhằm bảo tồn và phát triển, tránh nguy cơ cạn kiệt của loài sâm quý gắn liền với hình ảnh địa phương. Do đó, đã có không ít người dân xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã mạnh dạn đầu tư nhân giống, ươm trồng Sâm Báo. Kỳ vọng vào việc phát triển loại sâm quý này sẽ không những đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, mà góp phần quảng bá hình ảnh sản vật địa phương.
Tuy vậy, vốn là loại sâm tự nhiên mọc trên núi và hình thành sâu dưới lòng đất, cộng với việc chưa có nhiều kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào nhân giống và chăm sóc Sâm Báo, do vậy, đã không ít người tỏ ra thiếu tự tin, bỏ ngỏ khả năng thành công. Hộ gia đình ông Thơ Ngoan (thôn Đoài, xã Vĩnh Hùng) chia sẻ: Với tôi trồng Sâm Báo vẫn còn nhiều lo lắng, năm ngoái, có công ty nào đó về địa phương trồng thử nghiệm rồi cũng không hiệu quả. Nguyên nhân có thể là do Sâm Báo khá kén thời tiết, hơn nữa loại sâm này rất dễ bị nấm. Năm nay nhà tôi mạnh dạn đầu tư 5 sào với 1,2 kg giống có trị giá gần 8 triệu đồng, được gieo trồng từ tháng 3 âm lịch dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 11 tới.
Anh Lê Văn Cường tự tin sẽ vực dậy, phát triển Sâm Báo |
Để tìm hiểu kỹ hơn và trả lời cho câu hỏi: “Liệu rằng vùng đất Vĩnh Hùng có thể phát triển được loại sâm Báo đặc biệt này hay không”. Chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Cường là Cán bộ Địa chính Nông nghiệp xã Vĩnh Hùng, cũng là người đã đầu tư ươm trồng hơn 7 sào Sâm Báo, anh Cường hồ hởi chia sẻ: Sâm Báo bắt nguồn từ thời Chúa Trịnh và xuất hiện nhiều ở vùng núi Báo thuộc xã Vĩnh Hùng. Hiện, toàn xã Vĩnh Hùng có khoảng 4 ha trồng Sâm Báo, được trồng rải rác tại các thôn Đoàn, Xóm Mới, Việt Yên và Sóc Sơn 1, 2, 3. Sâm sau khi thu hoạch được rửa sạch dùng để ngâm rượu hoặc thái nhỏ sao khô làm trà. Sâm Báo đặc biệt rất tốt cho người già và trẻ nhỏ có tác dụng trị rôm sẩy, giải nhiệt, bồi bổ sức khỏe.
Về những khó khăn gặp phải khi ươm trồng Sâm Báo, anh Cường cũng chia sẻ: Ngoài giá trị hạt giống ban đầu mua khá đắt từ 5 - 7 triệu đồng/kg, Sâm Báo cũng hay bị bệnh nấm, rệp. Tuy vậy, đây không phải vấn đề quá lớn nếu chúng ta tăng cường vệ sinh vườn cây như cắt tỉa hết các cành sâu bệnh làm cho vườn cây thông thoáng. Dọn sạch cỏ rác, lá cây mục quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến, hạn chế môi trường sinh sống, lan truyền của nấm, rệp nhưng có thể sử dụng một số thuốc trị nấm an toàn thân thiện với môi trường.
Cũng theo anh Cường, thổ nhưỡng vùng đất xã Vĩnh Hùng rất hợp với cây Sâm Báo nên bà con hoàn toàn yên tâm về khả năng sinh trưởng, phát triển của loại Sâm này. Hơn nữa, Sâm Báo vốn là loại sâm tự nhiên, nên việc chăm sóc không quá cầu kỳ, vì thế, việc sử dụng phân bón là rất ít và hoàn toàn không phải sử dụng thuốc trừ sâu, tránh ô nhiễm môi trường. Do đó, với vốn đầu tư gần 10 triệu đồng cho hơn 7 sào Sâm Báo, sau khoảng 9 - 10 tháng hoàn toàn có thể thu hoạch được trên dưới 10 tạ Sâm. Với giá bán lẻ giao động từ 500.000 - 600.000 đồng/kg thì thu nhập ước tính rơi vào khoảng 500 triệu đồng/vụ. Hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Nhận thấy giá trị to lớn của loại cây này, ngày 31/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 1133/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên vật liệu thực hiện dự án SXTN “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất Sâm Báo gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa”, đơn vị chủ trì là Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn với tổng kinh phí là 10.709.550.000 đồng.