Phóng viên (PV):Xin bà cho biết những kết quả cơ bản của Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua?
Bà Nguyễn Thị Vinh: Những năm qua, công tác đoàn kết tập hợp và phát triển hội viên mới đã được Hội nữ doanh nhân đặc biệt quan tâm. Đến nay Hội có 234 hội viên nữ, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa dạng ngành nghề, địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp ở rộng khắp trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế.
Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức trên 20 buổi học tập hội thảo nâng cao trình độ nghiệp vụ tại tỉnh về quản lý tài chính, quản trị doanh nghiệp, bình đẳng giới trong kinh doanh, cử 10 lượt hội viên tham gia các khóa đào tạo do Hội doanh nhân nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ... tổ chức Hội đã tổ chức các thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo này, nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên có thêm kiến thức, kỹ năng trong hoạt động doanh nghiệp, đồng thời có cơ hội giao thương, học hỏi kinh nghiệm và mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh.
Chị em là chủ các doanh nghiệp luôn cố gắng vươn lên bằng chính nội lực của mình, lãnh đạo chỉ đạo đơn vị đúng hướng đầu tư, đúng mục tiêu, mạnh dạn áp dụng khoa học tiên tiến, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo đổi mới mô hình kinh doanh, mở rộng ngành nghề. Các doanh nghiệp do các chị làm chủ vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập cao cho người lao động, nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, góp phần tăng trưởng kinh tế cho tỉnh: Tổng doanh thu bình quân hàng năm trên 9.800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 65 tỷ đồng, lương bình quân người lao động khoảng 5 triệu/người/tháng; tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, trong đó có 45% là lao động nữ. Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên nhiều năm vinh dự nhận Bằng khen Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh việc phát triển kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường cũng luôn được Hội quan tâm đưa ra trong các buổi sinh hoạt chung của Hội; Cung cấp các kiến thức về pháp luật, để hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch quản lý môi trường phù hợp xóa bỏ được nhận thức lâu nay trong các doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất là lợi nhuận. Những tư duy lạc hậu, việc thực hiện quản lý môi trường chỉ gây thêm tốn kém làm giảm lợi nhuận đã được xóa bỏ, thay vào đó là quan tâm bảo vệ môi trường, trách nhiệm vơi sức khỏe cộng đồng xã hội. Các doanh nghiệp đã thực hiện xử lý chất thải bảo vệ môi trường, hầu hết các doanh nghiệp của các chị em trong Hội không vi phạm các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, trẻ em tàn tật, trẻ có HIV/AIDS… luôn được Hội quan tâm và tham gia một cách tích cực. Vừa qua Hội đã tặng 100 triệu đồng cho Hội LHPN tỉnh để xây nhà trẻ, tặng 80 triệu đồng cho Quỹ Vì phụ nữ nghèo tỉnh Thái Nguyên để giúp các chị em trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên để phát triển kinh tế.
PV: Những cơ chế chính sách của tỉnh Thái Nguyên đã tác động đến sự phát triển của các Doanh nghiệp và Hội nữ doanh nhân như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Vinh: Phải khẳng định rằng, những đóng góp của nữ doanh nhân trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng, góp phần vào sự thành công chung của tỉnh. Đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực, đoàn kết thống nhất của các chị em trong Hội, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các chị trong BCH; còn là sự quan tâm và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên.
Để tạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị 19 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, tạo lập môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư lành mạnh, thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp: Cục Thuế của tỉnh đã áp dụng khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, giảm thời gian kiểm tra hoàn thuế, nộp thuế cho các doanh nghiệp từ 1/2 đến 2/3 thời gian. Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh áp dụng cơ chế một cửa liên thông nên giảm thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử đất lần đầu xuống còn dưới 24 ngày, giảm nhiều so với qui định. Rất nhiều sở, nghành khác trong tỉnh cũng giảm các thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian giảm chi phí không chính thức, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đưa ra 6 cam kết về tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; lãnh đạo tỉnh lại khẳng định chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, khẳng định chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư và coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý.
Từ sự chủ động tháo gỡ “rào cản” về thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, mang lại thịnh vượng cho doanh nghiệp và cộng đồng, được phản ánh qua tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách của tỉnh Thái Nguyên trong đều tăng trưởng rất cao so với kế hoạch và so với năm trước.
Để mang lại quyền lợi cho các hội viên trong việc tiếp cận với các chính sách của tỉnh, đại diện của Hội đã tham gia các hội nghị, hội thảo, các cuộc đối thoại, tọa đàm do UBND tỉnh tổ chức với các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong các cuộc làm việc đó, Hội đã có ý kiến đề xuất các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội kịp thời có những kiến nghị, đề xuất với chính quyền để tạo điều kiện thuận lợi, động viên khen thưởng cho hội viên phát triển kinh doanh hiệu quả. Vừa qua dự án thành lập Công ty cổ phần Eco Valey do Hội nữ doanh nhân tỉnh quản lý và đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện, sẽ là tiền đề để tổ chức hội phát triển vững mạnh.
PV:Các hội viên trong Hội đều là các nữ doanh nhân thành đạt, luôn bận rộn vì vậy để dung hòa được công việc kinh doanh, cuộc sống gia đình, cũng như là thời gian dành cho bản thân và các sở thích của cá nhân là điều không hề dễ dàng; vậy bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cũng như của các chị em trong Hội?
Bà Nguyễn Thị Vinh: Với các chị em phụ nữ bình thường khác thì hạnh phúc là trong một năm có 2 ngày được quan tâm là ngày 8/3, 20/10, riêng với nữ doanh nhân thì có đến 3 ngày được vinh danh, đó là ngày 13/10, ngày Doanh nhân Việt Nam. Nhưng để có được như vậy không phải là điều dễ dàng. Các chị em trong Hội mang trên vai những trọng trách nặng nề trong đó có cả việc cân bằng được giữa công việc và gia đình.
Tôi và các chị em trong Hội luôn nhắc đến “điểm dừng” trong công việc, trong quỹ thời gian của một ngày luôn cố gắng dành cho mình những khoảng thời gian riêng tư để có thể chăm sóc bản thân và làm những điều mình thích. Chính những giờ phút này, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, được sự quan tâm của toàn xã hội đã giúp chị em có thêm năng lượng để chu toàn bổn phận gia đình cũng như trách nhiệm với công việc. Bên cạnh đó, nữ doanh nhân chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm từ phía gia đình, đây chính là động lực to lớn giúp chúng tôi ngày càng thành công hơn nữa. Đó chính là động lực, điểm tựa, sự tiếp sức cho phụ nữ phát triển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!