Đánh giá cao các diễn giả, các chuyên gia đã trình bày tại Hội nghị, ông Thào Xuân Sùng cho biết: Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn vấn đề thiên tai do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc để nghiên cứu, trao đổi, xác định các giải pháp căn cơ nhằm tổ chức cuộc sống định canh, định cư bền vững cho đồng bào nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - ông Thào Xuân Sùng khẳng định, các báo cáo, phát biểu…tại Hội nghị đã cung cấp những thông tin quý giá và đề xuất nhiều giải pháp hữu ích để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh vùng miền núi phía Bắc nước ta phòng tránh được thiên tai do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, xây dựng cuộc sống thực sự được bền vững.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã nhấn mạnh một số vấn đề để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT phối hợp triển khai thực hiện trong thời gian tới. Theo đó cần: Trước hết, các đơn vị của Bộ TN&MT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng thực trạng thiên nhiên, địa lý, địa chất của vùng miền núi phía Bắc, nắm chắc đặc điểm tình hình xưa kia và hiện nay để xác định được một hệ thống giải pháp khả thi và đúng đắn vì yêu cầu được bền vững, vì hạnh phúc của đồng bào tại vùng này và vì cả nước.
Vùng miền núi phía Bắc nước ta có đặc điểm nổi bật về địa hình là núi cao, suối sâu, vực thẳm, độ dốc lớn, độ chia cắt mạnh, giao thông trắc trở. Vùng miền núi phía Bắc với địa hình đất đai chủ yếu là đồi núi, diện tích đất nông nghiệp rất ít làm nổi bật lên vị trí, vai trò quan trọng của lâm nghiệp. Do địa hình mùa mưa tập trung và bão chi phối mạnh mẽ, độ phì nhiêu của đất mất đi rất nhanh trong quá trình canh tác nương rẫy và thảm thực vật tự nhiên vốn có xưa đã bị lũ quét phá hoại nghiêm trọng.
Đặc biệt, tình trạng kéo dài sự tự túc lương thực và chính sách lâm nghiệp thích hợp, sản xuất lương thực trên đất dốc vẫn còn phổ biến và đất rừng vẫn không được bảo vệ, đã dẫn đến xói mòn và thoái hóa nhanh, phá vỡ sự cân bằng sinh thái và dinh dưỡng trong hệ thống đất, thực sự đã và đang là nguy cơ làm mất đi “mái nhà xanh” của đồng bằng Bắc Bộ, đe dọa các hồ thủy điện và nhà máy thủy điện cùng đời sống tự nhiên của nông dân.
Thứ hai, các đơn vị của Bộ và Trung ương Hội sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu, điều tra, thanh thủ và phối hợp với các ngành có liên quan trực tiếp để hiểu thấu đặc điểm văn hóa, xã hội của vùng miền núi phía Bắc để tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào nông dân định canh, định cư đạt được kết quả.
Ở vùng miền núi phía Bắc, có chủ yếu là dân tộc thiểu số sinh sống với kết cấu xã hội rất đặc thù, được phân bố tự nhiên theo dòng họ một cách không đồng đều trong vùng và theo các đại độ khác nhau. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ và đặc điểm văn hóa riêng độc đáo với quan hệ dòng họ, dòng tộc, huyết thống chặt chẽ bởi những quy ước được cộng đồng quy định. Người đứng đầu dòng họ là người nắm luật pháp, luật tục, hiểu biết tinh thông nhiều vấn đề, có uy tín, đức độ, khoan dung, độ lượng, công tâm, ngoại giao giỏi, được cả dòng họ tín nhiệm, tôn sung. Đặc điểm này đã và đang là yếu tố quan trọng để giữ vững sự đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ, cưu mang nhau, duy trì trật tự và ổn định của cộng đồng đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị của ta phải nắm chắc.
Thứ ba, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT sẽ tập trung thúc đẩy triển khai thực hiện tích cực chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Thủ tướng Chính phủ thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050. Để có thể tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược sống còn này, chúng ta sẽ tiếp tục tập trung phối hợp với UBND các tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân và vận động mọi người thực hiện thi đua yêu nước, thực hiện xanh hóa sản xuất nông nghiệp, xanh hóa lối sống ở nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thứ tư, Bộ TN&MT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc và trình Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tốt Luật Phòng chống thiên tai và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 17/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai nhằm phụ vụ cho công tác quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội.
Thứ năm, Bộ và Trung ương hội cùng phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tăng trưởng xanh và nhân dân gắn bó với rừng, vì lợi ích của nhân dân và an ninh môi trường của đất nước.
Thứ sáu, Bộ và Trung ương hội sẽ chủ động chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể để tổ chức các đoàn liên ngành nhằm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành luật Phòng chống thiên tai, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng thủy văn và xây dựng các mô hình “thôn bản định canh, định cư bền vững, an toàn trước thiên tai” trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho nông dân.
Thứ bảy, tăng cường và nân cao năng lực dự báo mưa bão, cảnh báo lũ quét, lũ ống, sạt lở đất cho người dân và cán bộ cơ sở. Nghiên cứu lắp đặt các trạm cảnh báo tại các địa phương có nguy cơ cao, nâng cao năng lực cho người dân tự phòng chống thiên tai một cách có hiệu quả như chân cột có dây để giữ thân, nuôi chó và mèo giống dự báo, gọi điện cho người có trách nhiệm…để giúp đỡ.
Thứ tám, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và định canh, định cư bền vững. Đồng thời, đôn đốc UBND các tỉnh khẩn trương tổ chức di dời tái định cư cho bộ phận hộ dân có nguy cơ về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và phấn đấu hoàn thành công tác này trong năm 2025.
Thứ chín, các Ban, đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị của Bộ TN&MT phối hợp với nhau nghiên cứu, đề xuất các đề án theo hướng tiết kiệm sử dụng đất, sử dụng nước, sử dụng tài nguyên với phương châm hành động là “giảm nhanh sản xuất lương thực trên đất dốc, tăng nhanh trồng cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi những con gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao”.
“Sau Hội nghị này, tôi và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở nhằm có nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại bởi thiên tai lũ ống, lũ quét và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai để nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc định canh, định cư bền vững trong thời gian tới” - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.