Hội Nông dân Việt Nam: Chung sức cải thiện môi trường nông thôn

12/05/2015 00:00

(TN&MT) - Nước sạch nông thôn là nhu cầu cấp thiết mà chúng ta đang rất nỗ lực triển khai trong các đề án, dự án cụ thể, đặc biệt là đang được đẩy mạnh trong hoạt động của Hội nông dân Việt Nam về nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước hợp vệ sinh… Nhân Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường vừa được phát động, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm môi trường nông thôn.

 PV: Lâu nay môi trường sống tại nông thôn được đánh giá là ít ô nhiễm, trong lành. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, môi trường này đang trong tình trạng báo động bởi ô nhiễm đất, nguồn nước. Vậy xin bà cho biết, những tác động tiêu cực nào đang hủy hoại môi trường nông thôn hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến nguồn nước và vệ sinh môi trường  (NN & VSMT) nhưng trước hết phải kể tới là các tác động của con người trong hoạt động phát triển nông nghiệp, công nghiệp... Tiếp đến là dân số ngày càng tăng khiến nhu cầu sử dụng nước cho ăn uống, sinh hoạt tăng theo dẫn đến việc khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch gây cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống (MTS). Các hoạt động thi công giếng khoan không đúng kỹ thuật, không đúng vị trí, phá rừng lấp đất, san ruộng, cất nhà, làm đường cũng là nguy cơ làm mất khả năng giữ nước...

Mặt khác, người nông dân vẫn  chưa có ý thức vệ sinh chuồng trại, chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải mà tất cả đổ thẳng vào các ao hồ; rồi việc sử dụng bừa bãi các loại hóa chất phân bón, thuốc kích thích cũng đang gây ô nhiễm, thất thoát nguồn nước… Tất cả những yếu tố này đã nhanh chóng làm ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến nước ngầm.

 PV: Hậu quả của vấn đề ô nhiễm, thiếu ý thức bảo vệ nguồn nước khu vực nông thôn là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa:: NN & MTS bị suy thoái ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến cuộc sống, sức khỏe người dân. Việt Nam đã và đang phải trả giá về mặt sức khỏe con người do một thời gian dài chưa thật sự quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, BVMT dẫn đến ô nhiêm môi trường. Cùng với đó là ngày càng xuất hiện nhiều điểm nóng về ô nhiễm như một số khu dân cư gần khu công nghiệp, hay những “làng ung thư” tại Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng… Đặc biệt, các loại thuốc bảo vệ thực vật không sử dụng thận trọng hay lưu giữ không phù hợp sẽ dễ dàng làm nhiễm bẩn nguồn nước, không khí hay thực phẩm. Đây là nguy cơ dẫn tới các bệnh tiêu hóa, bệnh ngoài da, các dị tật...

Tổ chức y tế thế giới ghi nhận, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 9.000 ca tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. 

Đẩy mạnh các hoạt động của Hội nông dân Việt Nam,                 nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nông thôn. Ảnh: MH
Đẩy mạnh các hoạt động của Hội nông dân Việt Nam, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nông thôn. Ảnh: MH

PV: Đứng trước thực trạng này, Hội đã có những giải pháp gì góp phần nâng cao nhận thức người dân bảo vệ nguồn nước khu vực nông thôn?

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa::Từ 2011 đến 2015, các cấp Hội nông dân đã tham gia thực hiện được 85 công trình VSMT, 11 công trình Chương trình MTQG về NS & VSMT nông thôn. Ngoài kinh phí hỗ trợ của Chương trình, Trung ương Hội còn huy động các nguồn lực xây dựng 74 mô hình điểm tại các dự án như: “Mô hình Hội Nông dân Việt Nam thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải nông thôn”; “Xây dựng mô hình Hội Nông dân tham gia BVMT làng nghề chế biến nông sản ”...

Hội đã cụ thể hóa quan điểm, Nghị quyết phát triển KT-XH của Nhà nước về VSMT đối với người dân, nhất là đối với vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn bằng nhiều các hoạt động truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức về môi trường của người nông dân và đồng bào các dân tộc. Từ đó làm thay đổi hành vi, thói quen cũ, lạc hậu trong dân cư, hướng cách nghĩ, cách làm của họ vào điều tích cực, có lợi cho cá nhân và cộng đồng .

Trong quá trình thực hiện,  đã có nhiều tổ chức Hội địa phương năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, như Hội nông dân huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã chủ động làm kế hoạch, phối hợp với Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh sau bước tuyên truyền vận động là tổ chức Hội nghị đăng ký gia đình nông dân 3 sạch: Sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường, với các tiêu chí cụ thể như xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chỉ tiêu 3 chuồng, 4 hố, di dời gia súc, gia cầm ra khỏi sàn nhà…

Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả bước đầu. Để có những kết quả bền vững hơn, trọng tâm  mà Hội xác định trong thời gian tới là phát động phong trào “thu gom, phân loại và xử lý chất thải”. Trong đó, địa bàn trọng điểm là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hủ tục lạc hậu như: Không làm hố tiêu, nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới sàn nhà... Tại những địa bàn này, hoạt động của Hội nông dân phải gắn liền và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đi đôi với hỗ trợ về vật chất, xây dựng “mô hình điểm” theo nhóm hộ để người dân cùng tham gia, dễ thấy, dễ thực hiện, dễ tổ chức, đồng thời các hoạt động như vậy sẽ có sức lan tỏa rộng lớn.

Phối hợp cùng ngành khuyến nông hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hóa chất có hiệu quả, đúng mục đích, liều lượng... Vừa tiết kiệm vừa chống nhiễm độc cho đất và nước đảm bảo cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.

 PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Huy An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Nông dân Việt Nam: Chung sức cải thiện môi trường nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO