Đây là hoạt động thường kỳ của Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh trong khu vực, là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là dịp để trao đổi cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hay về những kết quả đạt được cũng như khó khăn hạn chế, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn, từ đó giúp thường trực HĐND, các ban của HĐND, cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND các tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan dân cử tại địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung và giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh, trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh; chất lượng thảo luận, chất vấn, giải trình tại kỳ họp và phiên họp HĐND, nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri, giám sát việc tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri; đổi mới phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thẩm tra báo cáo, đề án, dự án, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp HĐND.
Cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội sẽ lấy ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Đối với hệ thống cơ quan dân cử, đổi mới là đòi hỏi cấp thiết, chỉ có đổi mới thì mới đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân đặt niềm tin vào cơ quan dân cử. Để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, cần đổi mới trên 3 góc độ: Quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, quyết định các chính sách của địa phương và giám sát để luật pháp, chính sách được thực thi và đi vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải thay đổi cách thức hoạt động của HĐND từ khâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến xem xét, thẩm tra, giám sát, đánh giá đến đưa ra nghị quyết. Muốn làm được việc này thì phải chú ý đến công tác cán bộ. Mỗi vị đại biểu HĐND cần dành thời gian cho hoạt động của HĐND, cần phát huy tính chủ động khi tiếp cận vấn đề, nghiên cứu lý luận, bám sát vào những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước.
Thường trực HĐND cũng cần quan tâm thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND, nhất là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, đại biểu lần đầu tham gia HĐND. Tiếp tục duy trì việc tổ chức các Hội nghị Thường trực HĐND ở các khu vực để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đại biểu HĐND từ đó nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm cho đại biểu HĐND tỉnh.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban Công tác đại biểu tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND các địa phương tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp, phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của mỗi đại biểu HĐND các cấp.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt về điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu HĐND; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chế độ thi đua – khen thưởng đối với đại biểu dân cử; đồng thời đẩy mạnh việc cung cấp thông tin nhanh và chính xác, áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào các hoạt động của HĐND, của đại biểu HĐND... Tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND tỉnh đảm bảo tinh gọn và chất lượng…