Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV: Đánh giá lại các mục tiêu, cam kết bảo vệ môi trường

24/09/2015 00:00

(TN&MT) -  Ngày 29 và 30/9 tới, tại Hà Nội, Bộ TN&MT sẽ tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV. Đây là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại các mục tiêu, các cam kết bảo vệ môi trường, đề xuất các định hướng, những bước đột phá cho công tác bảo vệ môi trường trong những năm tới... Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với TS. Nguyễn Văn Tài (ảnh), Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường về sự kiện quan trọng này.

PV: Thưa ông, Hội nghị Môi trường toàn quốc là hoạt động được Bộ TN&MT tổ chức định kỳ 5 năm/ lần. Hội nghị lần thứ 4 được tổ chức tới đây có những điểm gì nổi bật?

Ông Nguyễn Văn Tài: Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, định kỳ 5 năm Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc và các sự kiện bên lề có liên quan. Việc tổ chức Hội nghị đã mang lại hiệu quả thiết thực và đã trở thành ngày hội lớn cho tất cả những người quan tâm và có trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường.

Năm 2015, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường. Đây là năm đầu tiên triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014; năm thứ 3 triển khai Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Năm tổng kết, đánh giá Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015. Đồng thời, đây là năm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2012 - 2015 của Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị (29 và 30/9/2015) sẽ tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015; xác định nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020; kịp thời phát hiện và tuyên dương các điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015; cổ động liên tục cho các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

PV: Theo chương trình dự kiến, Hội nghị lần này có hai hội thảo chuyên đề quan trọng tập trung về những vấn đề gì, thưa ông?

Hai hội thảo này sẽ tập trung vào quản lý Nhà nước và khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường.

Thứ nhất, Hội thảo Quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường sẽ tổng kết, đánh giá công tác quản lý bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 và xây dựng định hướng công tác quản lý bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt các nội dung về BVMT đã được xác định tại Nghị quyết 24-NQ/TW và các văn bản khác. Đồng thời, tạo lập diễn đàn để các nhà quản lý các cấp, các chuyên gia trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Các vấn đề được tập trung thảo luận tại hội thảo này là phòng ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; quản lý chất thải; khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với các vấn đề môi trường toàn cầu của Việt Nam; hoàn thiện thể chế, pháp luật và huy động nguồn lực để bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, cộng đồng.

Thứ hai, Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm đánh giá thực trạng áp dụng và triển khai các tiến bộ khoa học và ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, giai đoạn 2010 - 2015; đề xuất và và định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong giai đoạn 2016 - 2020.

Cùng hành động để bảo vệ môi trường sống. Ảnh: MH
Cùng hành động để bảo vệ môi trường sống. Ảnh: MH

Hội thảo này đề cập đến các vấn đề về:  Khoa học và công nghệ trong công tác bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; ứng dụng tiến bộ khoa học và phát triển công nghệ trong cải tạo, phục hồi và xử lý ô nhiễm môi trường.

PV: Bộ TN&MT đã chuẩn bị sự kiện quan trọng này như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Xác định đây là sự kiện quan trọng, nên công tác chuẩn bị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị từ rất sớm: Từ năm 2014, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường đã gấp rút xây dựng Đề án tổng thể tổ chức Hội nghị và các sự kiện liên quan; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội nghị và các tiểu ban giúp việc: tiểu ban nội dung, tiểu ban hậu cần, tiểu ban truyền thông, tiểu ban vận động tài trợ;

Bên cạnh đó, tổ chức và hướng dẫn các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011- 2015 và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng Báo cáo tổng kết công tác quản lý bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng cho giai đoạn 2016 - 2020; thông báo rộng rãi trong toàn quốc về hướng dẫn gửi đề xuất các điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 theo tiêu chí hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, Hội đồng của Bộ đã hoàn thiện lựa chọn được 50 tổ chức và 20 cá nhân tiêu biểu xuất sắc về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 trong tổng số hơn 200 hồ sơ được Ban Tổ chức lựa chọn, xem xét…

Ngoài ra, chúng tôi đã mời các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự Triễn lãm quốc tế về môi trường; phối hợp với các chuyên gia đầu ngành xây dựng nội dung Hội nghị và các hội thảo...

Công tác tuyên truyền cho Hội nghị và các sự kiện liên quan đã được quan tâm chú trọng nhằm chuyển tải mọi thông tin về Hội nghị tới toàn thể nhân dân và xã hội; trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo hình, báo phát thanh, báo viết, báo mạng và các phóng sự, trailer; trọng tâm được tuyên truyền trong tháng 9/2015; ngoài ra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các địa phương trong cả nước phối hợp tuyên truyền cho Hội nghị Môi trường toàn quốc trên địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị đã gần hoàn tất.

PV: Ông kỳ vọng gì về Hội nghị lần này?

Ông Nguyễn Văn Tài: Như trên đã trình bày, Hội nghị Môi trường toàn quốc định kỳ 5 năm được tổ chức một lần; thời điểm tổ chức thường trùng với thời gian kết thúc một giai đoạn, một nhiệm kỳ, một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chuẩn bị cho một kế hoạch, giai đoạn tiếp theo. Do đó, thông qua Hội nghị, chúng ta có thể nhìn nhận, đánh giá lại các mục tiêu, các cam kết bảo vệ môi trường từ đó xem xét bài toán phát triển bền vững đất nước (phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường), thậm chí, có thể phải rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu phát triển của đất nước cho đúng định hướng. Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV diễn ra trong bối cảnh hết sức quan trọng và cũng không ngoài các mục tiêu đó. Đây là thời điểm để toàn ngành nhìn nhận lại công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn 5 năm (2011 - 2015) và đề xuất các định hướng những bước đột phá cho công tác bảo vệ môi trường trong 5 năm tới (2016 - 2020), đảm bảo đưa công tác bảo vệ môi trường thực sự trở thành 1 trong 3 trụ cột trong phát triển bền vững đất nước.

Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học trong toàn quốc tại Hội nghị sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tập hợp thành những kiến nghị, định hướng chủ đạo trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời gian tới để báo cáo Chính phủ, đưa vào thảo luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Thông qua Hội nghị lần này chúng tôi mong muốn gửi đi thông điệp, một cam kết mạnh mẽ đến toàn hệ thống chính trị - xã hội, đến mọi người dân và toàn xã hội hãy tiếp tục chung tay bảo vệ, gìn giữ môi trường bằng những suy nghĩ và hành động thiết thực nhất để bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta không bị ô nhiễm; giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp; bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Chi (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV: Đánh giá lại các mục tiêu, cam kết bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO