Hội nghị Hỗ trợ tài chính Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam năm 2018: “Mong muốn thống nhất tổ chức, tổng hợp nguồn vốn từ trung ương đến địa phương”

03/08/2018 22:41

(TN&MT) - Từ ngày 2 - 3/8, Quỹ Bảo vệ Môi trường (BVMT) Việt Nam  (VEPF) đã tổ chức Hội nghị Hỗ trợ tài chính thường niên với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững” tại thành phố Nha Trang. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 400 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương; các Sở Tài nguyên và Môi trường, Quỹ BVMT địa phương; các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BVMT Việt Nam Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị.

1 Thu Truong Vo Tuan Nhan
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Giám đốc Quỹ BVMT Việt Nam Nguyễn Đức Thuận chủ trì Hội nghị

Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Quỹ cho biết: Quỹ BVMT Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2002, có chức năng thu hút và huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, Quỹ BVMT Việt Nam đã hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án bảo vệ môi trường với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng qua các hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất đầu tư, trợ giá dự án CDM, hỗ trợ giá điện gió nối lưới... Trong đó, cho vay với lãi suất ưu đãi là một trong những hoạt động trọng yếu của Quỹ. Hiện nay, với lãi suất cho vay ưu đãi 2,6% và 3,6%/năm, thời gian vay tối đa 10 năm, thời gian ân hạn lên tới 2 năm và mức cho vay tối đa 50 tỷ đồng/dự án và tối đa 100 tỷ đồng/chủ đầu tư đã thực sự phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Kết quả cho vay ưu đãi đến nay đạt hơn 2.000 tỷ đồng đối với 268 dự án tại 51 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, hoạt động tài trợ cũng phát huy tính kịp thời và cấp thiết, đặc biệt là công tác tài trợ khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường sau thiên tai, bão, lũ.

MG 6569
Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Quỹ phát biểu tại hội nghị

Sự hỗ trợ thiết thực của Quỹ BVMT Việt Nam đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hình thành các nhà máy xử lý rác thải, chất thải, nước thải, sản xuất không khói có công nghệ cao, thân thiện, thúc đẩy khuynh hướng phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của mình, Quỹ BVMT còn vấp phải một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế huy động vốn, cơ chế cho vay, hỗ trợ lãi suất, tài trợ và đặc biệt, nguồn vốn hoạt động của Quỹ còn khiêm tốn. Do đó, số lượng các dự án được hỗ trợ tài chính của Quỹ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, bộ máy tổ chức, cơ chế chính sách của Quỹ ở Trung ương và các địa phương chưa vận hành đồng bộ và theo hệ thống, thiếu hành lang pháp lý chung. Mô hình hoạt động của Quỹ BVMT ở các địa phương thiếu đồng nhất, có nơi thuộc tỉnh, có nơi thuộc Sở TN&MT, nhân sự nơi kiêm nhiệm, nơi chuyên trách; cách hạch toán tài chính khác nhau, nguồn vốn nhỏ bé... Cơ chế phối hợp hoạt động, điều phối nguồn vốn giữa Quỹ Trung ương và các địa phương chưa được xác lập. Vì vậy, để hoạt động của Quỹ vận hành nhịp nhàng và phát huy hiệu quả cao nhất, đồng hành, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong mục tiêu chung phát triển bền vững thì cần có sự điều chỉnh cần thiết, kịp thời.

2 Ba Duong Thi Phuong Anh PGD Quy BVMT VN
Bà Dương Thị Phương Anh - Phó giám đốc Quỹ BVMT VN phát biểu

Các tham luận, ý kiến tại Hội nghị thống nhất nhận thức, cùng với quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là một thực trạng nhức nhối, cần những công nghệ xử lý phù hợp với thực tiễn và các giải pháp đồng bộ, tích cực và quyết liệt. Nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp đã giới thiệu những công nghệ xử lý rác thải, chất thải, nước thải, khí thải tiên tiến, ưu việt và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Đặc biệt, các ý kiến cũng tập trung phản ánh thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các Quỹ BVMT các địa phương.

Đại diện cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ông Phạm Văn Thọ, Trưởng phòng Thông tin kinh tế - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu, từ năm 2010, VCCI đã được chính thức phê duyệt thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD), xây dựng Dự án “Đào tạo sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam”. Từ thực tiễn hoạt động này cho thấy để đạt mục tiêu đề ra, rất cần sự phối hợp để tiếp cận nguồn vốn của Quỹ BVMT, cũng như trong công tác tuyên truyền, vận động cho doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.

3 Ong Pham van tho Truong phong Thong tin kinh te VCCI
Ông Phạm Văn Thọ, Trưởng phòng Thông tin kinh tế - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu

Công ty TECAPRO mang đến Hội nghị Công nghệ NANO xử lý nước thải khá nhiều ưu việt như: chất lượng nước thải ổn định và đạt tiêu chuẩn, ít mùi hôi, xử lý nhanh và nhiều loại ô nhiễm… Và hiện Công ty đã triển khai thành công công nghệ này tại một số đơn vị trên địa bàn Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội.

Tiễn sĩ Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam thì cho rằng: “Xử lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam là nhọc nhằn nhất vì rác này “nghèo” và phức tạp nhất. Do đó, yếu tố quy hoạch điểm xử lý rác thải phù hợp là quan trọng nhất. Tiếp đó là cần lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với một sự lựa chọn thông minh nhà đầu tư, nhà quản trị điều hành và đặc biệt là có sự đồng thuận của các bên liên quan”. Ông Trọng cũng giới thiệu công nghệ Lò đốt rác phát điện T-Tech khá phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam với công nghệ tối ưu từ các nước phát triển, có quy trình hoàn hảo, vật liệu sản xuất lò rất đặc biệt và đa dạng công suất, có chi phí vận hành thấp và chế độ hậu mãi rất ưu đãi.
 

4 Ba Vuong Minh Hieu Dieu phoi vien DA UNIDOtai Viet Nam
Bà Vương Minh Hiếu - Điều phối viên Quốc gia đã giới thiệu cụ thể Dự án Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững (UNIDO)

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Môi trường APT - Seraphin Hải Dương Nguyễn Quốc Lập giới thiệu tới Hội nghị Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt NQK theo nguyên tắc “tăng nguồn thu từ tái chế rác, giảm khối lượng đốt, lò đốt bảo đảm các yêu cầu về môi trường nhưng có chi phí vận hành hợp lý và thấp”.

Công nghệ NewTech nhiệt phân xử lý tái chế rác polymer (Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Công nghệ mới); Giải pháp tái sử dụng nước thải tại các khu công nghiệp RTS (Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ tái tạo); Công nghệ điển hình, đặc trưng trong xử lý nước thải Organo (Công ty Organo Việt Nam)… với những giải pháp ưu việt, đặc trưng và phù hợp cũng đã được giới thiệu tại Hội nghị.   

Đại diện các tổ chức quốc tế, bà Vương Minh Hiếu - Điều phối viên Quốc gia đã giới thiệu cụ thể Dự án Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững (UNIDO). Dự án UNIDO đã được triển khai thí điểm tại 34 điểm trên thế giới nhằm chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Đồng thời, đề xuất Quỹ BVMT Việt Nam dành nguồn vốn cho vay riêng đối với các dự án UNIDO trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải, cộng sinh công nghiệp, RECP với cơ chế cho vay bảo đảm yêu cầu tiến độ của dự án và doanh nghiệp.

Trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của Quỹ BVMT Việt Nam, nhiều đại biểu cũng có những kiến nghị, thắc mắc về cơ chế hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương thì đề nghị: Quỹ BVMT Việt Nam nên đa dạng hóa các hình thức liên quan đến tài sản đảm báo của dự án, trong đó có việc bảo đảm từ tài sản hình thành từ vốn vay đối với những khách hàng truyền thống và có uy tín với Quỹ”.

Bà Đinh Vân Trang, Giám đốc phát triển dự án – Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Khang Nguyên chuyên xử lý nước thải, chất thải rắn và cấp nước sạch mong muốn: Chính phủ, Bộ TN&MT tăng vốn điều lệ và vốn hoạt động đối với Quỹ BVMT Việt Nam. Đồng thời, Quỹ cũng nên tăng mức cho vay đối 1 dự án để có thể đầu tư vào những dự án quy mô lớn và hiệu quả hơn; tăng cường hỗ trợ kết nối, giới thiệu đối tác, công nghệ tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế và tạo ra diễn đàn để kết nối các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

8 Ong Doan Van thuy GD Quy BVMT Thai Nguyen
Ông Đoàn Văn Thủy- Giám đốc Quỹ BVMT Thái Nguyên phát biểu

Các Quỹ BVMT địa phương đa số có quy mô nhỏ, mô hình tổ chức, hoạt động chưa hoàn thiện nên cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Ông Đoàn Văn Thủy, Giám đốc Quỹ BVMT Thái Nguyên cho biết, vốn điều lệ “ghi” cho Quỹ là 50 tỷ đồng, nhưng đến nay mới được cấp 28,45 tỷ đồng, thậm chí 2 năm trước chỉ có 10 tỷ đồng. Các nguồn huy động từ các tổ chức trong và ngoài nước rất hạn chế, chủ yếu bằng thiết bị, chương trình truyền thông, tổng giá trị quy đổi chỉ vài tỷ đồng, trong khi các dự án BVMT có nhu cầu vốn rất lớn. Riêng Công ty Sam sung Việt Nam có nhu cầu đầu tư nhà máy xử lý chất thải tại địa phương với số vốn đầu tư vài chục tỷ đồng, song Quỹ BVMT Thái Nguyên không thể đáp ứng, do không có nguồn. Ông Thủy đề nghị: “Tổ chức Quỹ BVMT địa phương cần khẳng định là 1 tổ chức tín dụng, hoạt động theo mô hình trực thuộc UBND cấp tỉnh, do 1 lãnh đạo UBND tỉnh là Chủ tịch Quỹ thì sẽ phát huy hiệu quả cao hơn”.

10 Ba Hoang thi Nhung GD Quy BVMT Dong Nai
Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Quỹ BVMT Đồng Nai phát biểu

Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Quỹ BVMT Đồng Nai chia sẻ: Luật BVMT quy định nguồn của quỹ nhưng chưa có văn bản hướng dẫn. Nguồn theo quy định là 7 nguồn nhưng thực tế chỉ có một nguồn, các nguồn khác không có. Chính  bởi vậy, Quỹ không có khả năng hỗ trợ vốn cho các dự án lớn, chỉ tập trung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bà Nhung cũng đề xuất cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về hoạt động của Quỹ BVMT từ trung ương đến địa phương; tiếp tục mở rộng lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ tài chính; có quy định thống nhất về lãi suất cho vay trên cả nước và thống nhất về cơ chế hoạt động của các Quỹ BVMT trên toàn quốc.

Đại diện Quỹ BVMT Hà Tĩnh thì nêu thực tế nguồn vốn quỹ BVMT địa phương quá nhỏ, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp lại rất lớn nên cần giới thiệu tiếp cận nguồn vốn của Quỹ BVMT Việt Nam. Tuy nhiên, do địa hình cách biệt nên khâu thẩm định, giám sát dự án gặp khó khăn. Vì vậy, rất cần có cơ chế phối hợp, ủy quyền giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương. Đồng thời, mong muốn Quỹ BVMT Việt Nam tăng cường các khóa đào tạo, tập huấn về công tác thẩm định, cho vay; tài trợ cho các dự án từ thiện – xã hội (hệ thống nước sạch cho người dân tộc Chứt) và kết nối các quỹ địa phương đến với các tổ chức quốc tế.
 

MN 3
 Quang cảnh Hội nghị

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BVMT Việt Nam khẳng định, những kết quả hoạt động của Quỹ thời gian qua đã chứng minh chủ trương đúng đắn của Chính phủ về chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định vai trò của Quỹ BVMT Việt Nam là một trong những công cụ của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Các hoạt động của Quỹ đã được các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cũng như các tổ chức quốc tế quan tâm, đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Thứ trưởng hoan nghênh những ý kiến, trao đổi thẳng thắn, giúp chỉ ra  những hạn chế, bất cập trong hoạt động của hệ thống quỹ BVMT; đánh giá cao các công nghệ xử lý chất thải, rác thải, nước thải tiên tiến, thân thiện, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và chủ trương của Chính phủ trong mục tiêu phát triển bền vững. Trong điều kiện đô thị hóa mạnh, dân số biến động, môi trường bị tác động tiêu cực là không tránh khỏi, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm của mọi thành phần, trong đó có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, thì môi trường khó có điều kiện được cải thiện.

Thứ trưởng chia sẻ, đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường có yếu tố rủi ro cao, khả năng sinh lời thấp nên các ngân hàng thương mại chưa mấy mặn mà. Trong khi đó, nguồn vốn của Quỹ BVMT – một công cụ để thúc đẩy chính sách tài chính, tín dụng cho lĩnh vực bảo vệ môi trường còn quá nhỏ bé, so với yêu cầu chỉ như “hạt cát trên sa mạc”. Chính vì vậy, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ có sự quan tâm, điều chỉnh về nguồn vốn, cơ chế ưu đãi cho Quỹ BVMT Việt Nam nói riêng và lĩnh vực tài chính, tín dụng đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung. Đồng thời, các Quỹ BVMT từ trung ương đến địa phương cũng cần chủ động, tận dụng các nguồn vốn quốc tế cũng như huy động các nguồn hợp pháp khác để tạo nguồn quỹ, đi đôi với việc nâng cao hoạt động nghiệp vụ để hoạt động ngày một hiệu quả hơn.

Về bộ cơ chế tổ chức, Thứ trưởng cho biết, Quỹ BVMT là một hệ thống. Tuy nhiên, quỹ cấp tỉnh lại do UBND tỉnh thành lập. Bộ TN&MT đã phát hiện bất cập này và đã giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các cơ quan hữu quan, nghiên cứu, trình thông tư, tạo hành lang pháp lý  để thống nhất cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, hoạt động nghiệp vụ của hệ thống Quỹ BVMT. Bộ TN&MT rất mong muốn sớm định hình bộ máy, cơ chế hoạt động của hệ thống Quỹ BVMT để toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương có thể hợp lực trong “mặt trận” bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng cũng lưu ý, hiện nay vấn đề nước thải, rác thải, khí thải ở nhiều địa phương đang rất bức xúc, được dư luận nhân dân quan tâm. Do đó, Quỹ BVMT Việt Nam cần xác định đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong 8 mục tiêu ưu tiên hỗ trợ từ nguồn Quỹ, đặc biệt là những vùng khó khăn, điểm “nóng” môi trường. Và điều này cần xác định rõ ràng và công bố rộng rãi.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã đi tham quan thực tế tại Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp của Công ty cổ phần Môi trường Khánh Hòa. Đây là 1 trong 5 nhà máy xử lý rác tại Việt Nam dùng công nghệ túi lọc trong lò đốt rác – công nghệ tiên tiến của các nước Âu, Mỹ, Nhật. Tuy nhiên, phải sau 4 năm học hỏi, tìm tòi và cải tiến, công nghệ túi lọc trong lò đốt rác mới thành công tại Việt Nam. Ưu điểm đặc biệt của công nghệ túi lọc trong lò đốt rác là không xả ra khói đen, bụi khói lò đốt gần như được thu hồi toàn bộ, không gây ô nhiễm môi trường nhưng nhược điểm là giá thành khá cao. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn ưu đãi của Quỹ BVMT Việt Nam mà Công ty đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu, cải tiến để biến thành công nghệ riêng độc đáo của Công ty và phù hợp với thực tiễn xử lý rác tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Hỗ trợ tài chính Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam năm 2018: “Mong muốn thống nhất tổ chức, tổng hợp nguồn vốn từ trung ương đến địa phương”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO