Báo cáo tại buổi lễ, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam là địa chỉ tin cậy của cộng đồng, thường xuyên đưa ra các ý kiến tư vấn, phản biện khách quan, khoa học đối với các vấn đề môi trường bức xúc trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở trung ương và khắp các địa phương. Đại diện Hội là thành viên nhiều hội đồng tư vấn quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững, Hội đồng quốc gia về Biến đổi khí hậu (BĐKH), Cơ quan tư vấn quốc gia xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước, Chủ tịch Ban Chỉ đạo quốc gia các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP Việt Nam,…
Hội cũng chú trọng đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả truyền thông về tài nguyên, môi trường, ứng phó BĐKH phục vụ phát triển bền vững; đồng thời liên tục tổ chức hàng loạt hội thảo khoa học, mạnh dạn cập nhật nhiều nội dung học thuật mới và cấp thiết vào thực tiễn.
Một hoạt động nổi bật và đáng tự hào của Hội trong 30 năm xây dựng và trưởng thành là phát động và tổ chức phong trào quần chúng sâu rộng bảo tồn Cây Di sản Việt Nam – hoạt động sáng tạo, đặc thù của Hội.
Về phương hướng hoạt động của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong nhiệm kỳ 7 (2018 - 2023), PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết: Hội phát huy truyền thống tốt đẹp của Hội, chủ động thích nghi với những biến động của tình hình, tiếp tục đóng góp thiết thực cho sự nghị Bảo vệ thiên nhiên và môi trường; không ngừng củng cố và phát triển tổ chức Hội; đáp ứng theo khả năng cao nhất có thể các yêu cầu về tư vấn, giám định và phản biện xã hội trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; tiếp tục đa dạng hóa các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động NCKH, áp dụng công nghệ; thực hiện tốt chức năng đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; củng cố và phát triển phong trào Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam; hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng giao phó theo chức năng, nhiệm vụ và năng lực của Hội.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xúc động cho biết: “Sau 30 năm trưởng thành và phát triển, số Hội viên của Hội đã tăng lên hơn một trăm lần và quy tụ được rất nhiều thành phần xã hội tham gia”.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh bày tỏ sự tự hào khi Hội có một đội ngũ các nhà khoa học tâm huyết mở đường dẫn dắt. “Hôm nay chúng ta tưởng nhớ tới họ như là một sự tri ân, đồng thời cũng là sự nhắc nhở mọi thành viên noi theo. Chúng ta tiếp tục đoàn kết và mở rộng vòng tay, để cùng nhau nỗ lực tiếp nối truyền thống đáng tự hào đã được các thế hệ hội viên đi trước vun đắp trong suốt 30 năm qua, nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh của các hội viên, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào” - TS. Nguyễn Ngọc Sinh nói.
Tại lễ kỷ niệm, đại diện các thế hệ hội viên lớn tuổi, các hội địa phương và thế hệ hội viên trẻ đã phát biểu cảm tưởng. Hầu hết các đại biểu đều rất ấn tượng về những hoạt động đặc sắc và nổi bật của Hội, trong đó có sự kiện phát động và tổ chức phong trào quần chúng sâu rộng bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Các đại biểu cũng tự hào vì Hội làm công tác tư vấn phản biện cho Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương rất tốt, từ việc tích cực đóng góp ý kiến tư vấn có chất lượng cho việc soạn thảo các luật liên quan như Luật BVMT 1993, 2004, 2014, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Thuế BVMT 2010, các luật về Rừng, về Thủy sản, về Biển và hải đảo,...
Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đánh giá, trong thời gian qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tích cực tham gia góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về TN&MT; thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc ngành TN&MT. Qua đó, đã có những đóng góp cho hoạt động quản lý nhà nước nói chung của ngành TN&MT.
“Một trong các nhiệm vụ nổi bật của Hội là công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Hội đã tích cực tham gia công tác thẩm định các dự án về môi trường có tầm cỡ quốc gia (điển hình là các dự án công trình năng lượng, xử lý chất thải và quy hoạch phát triển của các ngành, vùng miền, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, dự án phát triển kinh tế xã hội); tích cực tham gia phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện quan trọng về môi trường của Đảng, Quốc hội và Chính phủ các ngành và địa phương. Đặc biệt, được Bộ TN&MT chọn là cơ quan tư vấn chính thức cho Dự án xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Công Thành mong rằng trong thời gian tới, Hội tiếp tục chủ động đề xuất và tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan của ngành TN&MT; tiếp tục chủ động trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; mạnh dạn đưa ra các quan điểm, ý kiến tư vấn, phản biện về các vấn đề của ngành, lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là các vấn đề lớn, nhạy cảm.