Hội An: Giải cứu “dòng kênh chết”

14/10/2014 00:00

(TN&MT) - Nguồn nước xung quanh khu vực di sản chùa Cầu (TP. Hội An) bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến người dân và du khách là vấn đề nan giản

   
(TN&MT) - Nguồn nước xung quanh khu vực di sản chùa Cầu (TP. Hội An) bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến người dân và du khách là vấn đề nan giản từ nhiều năm nay của phố cổ. Để giải cứu nguồn nước, cải thiện cảnh quan môi trường và bảo vệ di sản, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ UBND thành phố Hội An hơn 240 tỷ đồng để triển khai Dự án Cải thiện chất lượng nước tại khu vực chùa Cầu.
   
Dòng kênh kêu cứu
   
  Nằm trong quần thể khu di tích phố cổ Hội An (di sản văn hóa thế giới), chùa Cầu là di tích có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử và kiến trúc của tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, một thực trạng đáng báo động hiện nay là cảnh quan xung quanh chùa Cầu, nhất là nguồn nước nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải chưa qua xử lý của hàng trăm hộ dân, khách sạn, nhà hàng quanh khu vực chùa Cầu xả thẳng xuống dòng kênh khiến dòng nước nơi đây biến thành đen đục, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nặng nề, ảnh hưởng đời sống người dân và mất thiện cảm đối với du khách.
   
   
Nguồn nước đen sì, hôi tanh ngay dưới chân di sản chùa Cầu gây búc xúc cho người dân và du khách
    
   
  Thêm vào đó, những người dân sống quanh khu vực chùa Cầu phải sử dụng nguồn nước có mùi hôi tanh rất khó chịu, có lúc nổi váng đóng cục giống như dầu mỡ. Bà Nguyễn Minh Hải, người dân sinh sống sát dòng kênh chùa Cầu bức xúc: “Ngày mưa nước chảy về mạnh còn đỡ chứ ngày nắng nóng nước thải sinh hoạt nhiều không biết chảy đi đâu nên bốc mùi thối không chịu nổi”. Đoạn hôi thối nhất phải kể đến đoạn kênh, rạch nối từ hồ điều hòa đi qua chùa Cầu và xả thẳng ra sông Hoài. Theo nhiều người dân, do nước sông Hoài bốc mùi tanh và hôi nên khách du lịch chỉ ghé ngang một chút rồi đi vì không thể chịu nổi. 
   
  Ông Nguyễn Minh Tuệ, một người dân làm nghề lái đò trên sông Hoài, phố cổ Hội An cho biết: “Trước đây lòng sông Hoài sâu và nước sạch lắm, bây giờ lớp đất bùn ngày một dày lên, nước sông vừa tanh vừa có mùi thối, một phần là do nước từ dòng kênh chùa Cầu chảy ra”.
  Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Hội An cho biết, mỗi ngày, sông Hoài phải tiếp nhận gần 8.590m3 nước thải phát sinh từ hoạt động của hàng trăm khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố và hơn 8.310m3 nước thải sinh hoạt của người dân khu vực nội thị. Riêng kênh Chùa Cầu là bãi đáp của hơn 2.200m3 nước thải từ hệ thống mương thoát nước thải của 3 phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An (TP. Hội An) khiến tình hình ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu oxy sinh hóa (BOD5) và vi khuẩn gây các bệnh liên quan đến đường ruột (Coliforms) vượt chỉ tiêu cho phép.
   
  Năm 2005, TP. Hội An đã xây dựng một hồ chứa (hồ điều hòa) nằm giữa hai phường Minh An và Cẩm Phô rộng hơn 500m2, cách chùa Cầu gần 100m để điều hòa nguồn nước thải sinh hoạt của người dân, làm sạch đoạn kênh đi qua chùa Cầu, đồng thời góp phần điều tiết nước trước khi thải ra sông Hoài. Tuy nhiên, do lượng nước thải sinh hoạt đổ ra mạnh mà không có hệ thống xử lý đã làm cho hồ điều hòa trở thành một hồ chứa ô nhiễm ngay giữa lòng thành phố. Hàng năm, chính quyền địa phương đều phải bỏ ra nguồn kinh phí không nhỏ để tiến hành nạo vét, khơi thông kênh chùa Cầu nhưng tình hình ô nhiễm vẫn không cải thiện được nhiều khiến sông Hoài ngày càng ô nhiễm trầm trọng.
   
Xử lý triệt để cứu dòng kênh
   
  Trước tình trạng đó, vào tháng 6/2012, Chính phủ Việt Nam đã gửi một yêu cầu cho Chính phủ Nhật Bản xin cấp vốn Viện trợ không hoàn lại cho Dự án Cải thiện Chất lượng nước của khu vực chùa Cầu, Hội An (gọi tắt là Dự án) để ứng phó với các vấn đề trên. Chính phủ Nhật Bản đã giao cho Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) kiểm tra khả năng thực hiện của dự án (JICA là cơ quan chính thức thực hiện hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản và tiến hành thực hiện phù hợp viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản). Do vậy, Đoàn Khảo sát chuẩn bị của JICA (JST) đã đến Hội An.
   
  Qua nhiều chuyến khảo sát, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ nguồn kinh phí 244 tỷ đồng không hoàn lại để giúp Hội An triển khai Dự án Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu của thành phố. Đến tháng 9/2014, Dự án đã được UBND TP. Hội An phê duyệt. Công trình được thực hiện từ năm 2014 – 2018 nhằm cải thiện môi trường nước quanh khu vực Chùa Cầu, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra kênh Chùa Cầu, góp phần cải thiện điều kiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích, giữ lại vẻ nên thơ của sông Hoài. Dự án sẽ xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 2.000m3/ngày đêm, nâng cấp tuyến kênh dẫn, hệ thống thiết bị điện và dây chuyền công nghệ xử lý nước thải đồng bộ. Dự án có 2 hạng mục chính là hệ thống cống thu gom nước thải và công trình xử lý nước thải. Toàn bộ khu vực trạm xử lý nước thải được thiết kế và xây dựng đảm bảo các yêu cầu về không gian kiến trúc, mỹ quan theo quy định của khu vực bảo vệ di sản.
   
  UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND thành phố Hội An có trách nhiệm hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục theo đúng các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quy định của nhà tài trợ; chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ngoại vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn, giám sát chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời tuyên truyền, phát động người dân phố cổ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt khu vực quanh chùa Cầu.
   
  Dự án Cải thiện nguồn nước tại khu vực chùa Cầu nhằm nâng cao chất lượng môi trường phố cổ đang đưa Hội An tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng phố cổ trở thành một đô thị văn hóa – du lịch – sinh thái của tỉnh Quảng Nam.
   
  Bài và ảnh: Lan Anh –  Quỳnh Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội An: Giải cứu “dòng kênh chết”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO