Hội An: Đầu tư 260 tỷ đồng xử lý nước thải, chùa Cầu liệu sẽ hết ô nhiễm?

30/10/2018 17:53

(TN&MT) - Dự kiến vào đầu tháng 11/2018,dự án cải thiện chất lượng nước tại khu vực chùa Cầu có vốn đầu tư 260 tỷ đồng sẽ đi vào vận hành. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đầu tư lớn như thế hệ thống kênh mương chùa Cầu có hết ô nhiễm hay không?

Ô nhiễm nguồn nước tại kênh mương Chùa Cầu đã ở mức đáng báo động
Ô nhiễm nguồn nước tại kênh mương Chùa Cầu đã ở mức đáng báo động

Ngày 30/10, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, sau gần 2 năm thi công dự án Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu chuẩn bị đưa vào vận hành. Hiện nay, đơn vị thi công đang thực hiện những công đoạn cuối cùng tổ chức cấy vi sinh vào dây chuyền xử lý của nhà máy xử lý nước thải. Dự kiến, vào đầu tháng 11/2018, JICA và đơn vị thi công sẽ tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho công trình cho thành phố vận hành, xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra sông Hoài. Qua đó, sẽ giải quyết tốt môi trường khu vực, phục vụ đời sống trong lành cho nhân dân và khách du lịch, tạo cảnh quang xanh, sạch đẹp. Đồng thời, cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho thành phố Hội An.

Dự án Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu, thành phố Hội An do UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, UBND thành phố Hội An làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý thực hiện là Ban QLDA Cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu, thành phố Hội An. Đặc biệt, nhà thầu xây dựng và đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát là các công ty đến từ Nhật Bản. Dự án có tổng mức đầu tư gần 260 tỉ đồng, trong đó chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,1 tỉ yên (khoảng 228 tỉ đồng), còn lại do TP. Hội An đối ứng.

Môi trường nước dưới chùa Cầu sẽ được xử lý dứt điểm kể từ tháng 11/2018
Môi trường nước dưới chùa Cầu sẽ được xử lý dứt điểm kể từ tháng 11/2018

Trong đó, Trạm xử lý nước thải đặt tại phường Cẩm Phô rộng 3.752m2, công suất 3.000-5000m3/ngày đêm, gồm các hạng mục nhà quản lý 2 tầng; cụm xử lý 1 tầng; các hạng mục phụ trợ và nâng cấp kênh thoát nước dẫn đến trạm xử lý nước thải dài 1,6 km với hệ thống thiết bị điện và dây chuyền công nghệ xử lý nước thải đồng bộ.

Công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp, không chỉ cải thiện môi trường nước khu vực, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra kênh Chùa Cầu. Từ đó, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích và xử lý nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các khu đô thị Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Phô và Minh An.

“Nhật Bản là quốc gia có nhiều công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải và phía Nhật cũng cam kết hiệu quả vận hành sau bàn giao. Do vậy, chắc chắn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, toàn bộ nước thải sẽ được thu gom và xử lý thì môi trường nước ở Chùa Cầu sẽ được cả thiện. Và việc thu gom, xử lý nước thải không chỉ tiến hành ở khe Ô Ồ và khu vực chùa cầu mà tương lai còn mở rộng ra một số khu dân cư lân cận để cải thiện nước thải tại Hội An”- ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An khẳng định.

Chùa Cầu là điểm tham quan thu hút khách du lịch khi đến với đô thị cổ Hội An
Chùa Cầu là điểm tham quan thu hút khách du lịch khi đến với đô thị cổ Hội An

Được xem là biểu tượng của TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam nhưng từ nhiều năm nay nước ở con kênh dưới chân di sản Chùa Cầu trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi thối không chịu nổi. Du khách thưởng ngoạn trên Chùa Cầu thi thoảng lại phải đưa tay bịt mũi. Trong khi đó, người dân sống dọc con kênh này cũng chịu cảnh tương tự từ nhiều năm nay. Một cuộc khảo sát mới đây của các chuyên gia Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho thấy, nồng độ một số chất đo được tại vài điểm quanh khu vực Chùa Cầu đã vượt giới hạn quy định.

Nguyên nhân là do nước thải từ hàng ngàn hộ dân, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An xả thẳng ra dòng kênh Chùa Cầu. Mặc dù, chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm như bơm nước từ sông Hoài vào ống ngầm đưa lên phía đầu con kênh để đẩy nước bẩn chảy ra sông, nạo vét lòng kênh… thế nhưng, ô nhiễm vẫn đâu lại vào đấy ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham quan, du lịch tại di tích chùa Cầu nói riêng và khu vực trung tâm phố cổ nói chung. Thành phố từng có dự án xử lý nước thải do Pháp tài trợ nhưng không đấu nối với khu vực Chùa Cầu, dẫn đến tình trạng nơi đây vẫn bị ô nhiễm cục bộ.

Năm 2017, Hội An được UNESCO công nhận đã được bình chọn là một trong 25 điểm đến hàng đầu trên thế giới theo trang web du lịch TripAdvisor. Mới đây, đô thị cổ bên sông Hoài này cũng được độc giả của tạp chí Travel & Leisure bình chọn là một trong số những thành phố du lịch tuyệt vời nhất châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội An: Đầu tư 260 tỷ đồng xử lý nước thải, chùa Cầu liệu sẽ hết ô nhiễm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO