Trong nước

Học Bác, giữ mắt sáng, lòng trong, bút sắc

PGS,TS Đỗ Xuân Tuất - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 20/06/2023 - 13:48

(TN&MT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo kiệt xuất, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã sử dụng báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng để tấn công kẻ thù, tuyên truyền giác ngộ và thức tỉnh quần chúng đứng lên làm cách mạng.

Người đã viết hàng ngàn bài báo với hàng trăm bút danh khác nhau, bằng các thứ tiếng: Việt, Pháp, Nga, Trung, Anh… Di sản báo chí của Người vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Người sáng lập, dìu dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam

Gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy vai trò là vũ khí sắc bén, là một “binh chủng” hùng mạnh của công tác tư tưởng, văn hóa, đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trên cơ sở đường lối của Đảng, báo chí đưa đến cho xã hội và nhân dân những định hướng thông tin chính trị, làm cho đường lối đó thấm nhuần và đi vào thực tiễn cuộc sống.

chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-thay-vi-dai-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam..png
Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo kiệt xuất, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam

Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”.

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã chứng minh vai trò của báo chí với tư cách là vũ khí tư tưởng, lý luận, là cơ quan ngôn luận của Đảng, đấu tranh mạnh mẽ với những xu hướng tư tưởng đối lập của thực dân, đế quốc và bọn phản động tay sai để bảo vệ Đảng. Qua những bài bút chiến, những người cộng sản đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quốc gia cải lương, chống chủ nghĩa tờ-rốt-xkít; những sai lầm tả khuynh và hữu khuynh trong nội bộ Đảng và trong các tổ chức quần chúng cách mạng…

Báo chí là vũ khí tư tưởng, lý luận cách mạng, công cụ đắc lực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng trong các giai đoạn cách mạng, từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, củng cố nền tảng, hệ tư tưởng vững chắc cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, báo chí cách mạng cũng là vũ khí tuyên truyền, cổ động, tổ chức, góp phần giáo dục lòng yêu nước, nhận thức chính trị của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”. Trên hành trình tranh đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để trực tiếp viết bài, đăng báo, cho ra đời những ấn phẩm báo chí lên án tội ác man rợ của thực dân, đế quốc đối với nhân dân thuộc địa.

Ngày 21/6/1925, sau khi về Quảng Châu (Trung Quốc), Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Người trực tiếp chỉ đạo, là người biên tập chính và là cây bút chủ chốt của tờ báo. Tờ báo đã có những đóng góp quan trọng tuyên truyền lòng yêu nước, khơi dậy ý chí và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, thức tỉnh nhân dân, chỉ rõ phương hướng cho nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng và chuẩn bị những tiền đề về tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng, vì vậy, báo chí phải có tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng để tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức quần chúng hành động vì lợi ích chung của cách mạng. Báo chí phải “giải thích cho dân chúng hiểu rõ”, “giải thích chính sách của Chính phủ”, “bày tỏ nguyện vọng của dân chúng cho Chính phủ biết”, “cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng”, “tổ chức lực lượng của mình”, “kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái kháng chiến, tin tưởng về sự thắng lợi”. Nhà báo là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa: “Cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”; “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”...

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy vai trò báo chí cách mạng trong giai đoạn hiện nay

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ vai trò đặc biệt quan trọng: Là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; là diễn đàn tin cậy của 100 triệu người dân Việt Nam và hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Báo chí đã tuyên truyền có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lạm quyền, nhũng nhiễu nhân dân. Báo chí còn là vũ khí sắc bén đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động để bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Đảng trong tình hình mới.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần tứ tư đặt ra nhiều vấn đề mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, khi hàng loạt phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội với nhiều nguồn thông tin được tạo ra và lan truyền với tốc độ vô cùng nhanh chóng, báo chí cách mạng Việt Nam càng phải thực hiện lời dặn của Bác, giữ vững quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước, theo sát những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế và trong nước để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, có lợi nhất cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Hội nghị Trung ương IV khóa XII đã nhấn mạnh: Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”...

Hội nghị cũng đề ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với báo chí phù hợp với yêu cầu mới, định hướng cho báo chí phát triển lành mạnh, trở thành một lực lượng xung kích trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt Nghị quyết XIII của Đảng: Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh ấy, đội ngũ những người làm báo hôm nay càng phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí cách mạng; luôn nêu cao tinh thần chiến đấu; giữ gìn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”; nhận thức sâu sắc sứ mệnh, trọng trách của mình trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà” để có những tác phẩm xứng đáng với dân tộc anh hùng và thời đại vẻ vang, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường như tâm nguyện tha thiết của Bác kính yêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học Bác, giữ mắt sáng, lòng trong, bút sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO