Hoàng Thị Minh Hồng truyền cảm hứng khí hậu

02/02/2019 16:10

(TN&MT) - Những ngày gần Tết cổ truyền, nữ “Anh hùng khí hậu” Việt Nam Hoàng Thị Minh Hồng vẫn miệt mài tại Hoa Kỳ theo đuổi khóa học thuộc chương trình đào tạo của Quỹ Obama. Thật tình cờ, 22 năm trước, năm 1997, Hoàng Thị Minh Hồng cũng đón Tết cổ truyền của dân tộc ở vùng đất Nam Cực xa xôi lạnh giá - nơi đã thay đổi hoàn toàn nhận thức và khởi nguồn cho muôn vàn những hành động, những đóng góp vì môi trường không mệt mỏi của người phụ nữ nhỏ bé ấy…

red dress
Đoàn Thị Minh Hồng là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam cực năm 1997

Tới Nam Cực và “giác ngộ”

Năm 1997, Hoàng Thị Minh Hồng là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực. “24 tuổi, là một nhân viên maketting, còn khờ dại lắm. Thời đó, Internet chưa có, không biết nhiều về vấn đề môi trường, chỉ là đi khám phá bản thân, đi thám hiểm một vùng đất mới…” - Hoàng Thị Minh Hồng hồi nhớ về cảm giác trước thời điểm cho chuyến đi mà chị gọi là “định mệnh”, chuyến đi làm thay đổi hoàn toàn bản thân từ nhận thức đến hành động.

Hình ảnh người con gái Việt Nam trong tà áo dài truyền thống màu đỏ, cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mặt băng Nam Cực đã được truyền đi trên khắp thế giới. Tự hào lắm, hạnh phúc lắm. Tuy vậy, sau những phút giây tự hào, thỏa mãn một miền đất đã được chinh phục, Minh Hồng bỗng thấy giật mình, bởi nhiều phần băng đã bắt đầu tan chảy, thật khác so với những gì đã hiểu về Nam Cực là một khu vực quanh năm đóng băng. Minh Hồng đã bắt đầu biết thế nào là biến đổi khí hậu…

Trở về từ Nam cực, việc đầu tiên là Minh Hồng viết đơn xin nghỉ việc, “bởi chỉ làm công việc maketing đơn thuần ấy, chuyến đi Nam Cực sẽ trở thành vô nghĩa”. Từ đó, Minh Hồng dành hết tâm trí cho việc là làm sao truyền đi thông điệp Trái đất đang nóng lên, băng bắt đầu tan… cho càng nhiều người biết càng tốt. “Tuy vậy, lúc đó, hầu như không có tổ chức phi Chính phủ về môi trường để mình có thế dựa vào, internet chưa có, trong khi rất ít người Việt Nam quan tâm tới vấn đề môi trường. Mình chỉ biết đi tình nguyện, tự xây dựng các dự án giáo dục môi trường cho thanh niên, những buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên, vừa làm việc vừa mày mò, nhiều khi rất… đuối”…

Chỉ đến năm 2002, khi Minh Hồng làm việc cho Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) khu vực Mê Công, chị mới thật sự được tập huấn, được học đúng nghĩa về các chương trình môi trường, được làm việc thực sự về môi trường, thiên nhiên. Cũng năm đó, Minh Hồng đã vinh dự được tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển Bền vững tại Nam Phi. Hành trang mà chị mang tới hội nghị quan trọng này là 10.000 chữ ký của người dân Việt Nam gửi tới lãnh đạo thế giới phải hành động ngay để bảo vệ bầu khí quyển. Ít ai biết, năm 2009, Minh Hồng chính là người đề xuất lãnh đạo WWF khu vực Mê Công đưa Chương trình Giờ Trái đất (do WWF phát động ở Úc năm 2007) về tổ chức tại Việt Nam, trở thành một trong những sự kiện môi trường thường niên nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người dân cả nước.

Tháng 11/2009, Hoàng Thị Minh Hồng lần thứ hai quay trở lại Nam Cực với tâm thế là một nhà hoạt động vì môi trường. Lúc này, Nam Cực không chỉ là những phần băng tan chảy ở mức độ nhẹ nữa mà rất nhiều tảng băng khổng lồ đang trôi dạt, những núi băng bỗng dưng đổ sập xuống biển… Sau 12 năm, nhiệt độ tại Nam Cực đã tăng lên 2 - 3oC; băng tan ở châu lục băng này chính là nguyên nhân trực tiếp khiến nước biển dâng lên, nhấn chìm nhiều khu vực, trong đó, có nhiều vùng đất của Việt Nam.

“Khi trở lại Nam Cực, tôi thấy tình trạng biến đổi khí hậu đã thật sự là khủng khiếp, khủng khiếp lắm rồi. Thế giới cần phải hành động quyết liệt hơn, không thể dừng lại ở những khẩu hiệu chung chung nữa…” - Hồng nói.

Change và những “mũi tấn công” trực diện

Trở về sau chuyến thám hiểm Nam Cực lần 2, Hoàng Thị Minh Hồng muốn xây dựng một tổ chức của riêng mình để triển khai những dự án quy mô, tầm ảnh hưởng lớn hơn, nơi mình có thể thoải mái triển khai các kế hoạch, các ý tưởng và sẽ là mái nhà chung dành cho những bạn trẻ nhiệt huyết cùng chí hướng. Sau hàng loạt dự án hành động vì môi trường, thu hút được hàng ngàn người tham gia, năm 2013, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển - Change chính thức có giấy phép hoạt động, trở thành một tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường tại Việt Nam, với sứ mệnh xây dựng các chương trình dự án và huy động các nguồn lực nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phát triển năng lực cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu…

Minh Hồng cho biết, một vài cá nhân hành động vì môi trường, khó đạt kết quả và không duy trì lâu dài, nhưng cả một tập thể, cả một cộng đồng cùng liên kết hành động sẽ đem lại những kết quả rất to lớn, dài lâu. Vì vậy, các dự án môi trường mà Change triển khai bao giờ cũng hướng tới sự tham gia của cả cộng đồng. Nhưng, muốn lôi kéo được cả cộng đồng, phải có những “thủ lĩnh” tiên phong. Chính vì vậy, Change đã tổ chức các Trại Thủ lĩnh khí hậu, đào tạo mỗi khóa 35 bạn trẻ đến từ nhiều địa phương trên cả nước. Đây là những “hạt nhân” để xây dựng các dự án môi trường và tập hợp, kêu gọi cộng đồng cùng tham dự. Ngoài ra, Change cũng “dụ” được rất nhiều người nổi tiếng, những người có tầm ảnh hưởng với công chúng tại Việt Nam như ca sĩ Hồng Nhung, ca sỹ Thu Minh, nhạc sỹ Thanh Bùi... cùng tham gia.

Từ việc đào tạo ra những “thủ lĩnh” tiên phong, tập hợp được đội ngũ đông đảo hành động vì môi trường đầy nhiệt huyết, Change đã triển khai hàng loạt chương trình hành động, “tấn công” trực diện vào những vấn đề cấp bách, “nóng” nhất của Việt Nam. “Thật buồn khi Việt Nam được “gọi tên” là nước tiêu thụ động vật hoang dã trái phép (ngà voi, sừng tê giác…) nhiều nhất thế giới, phát thải rác thải nhựa thứ 4 thế giới, tiêu thụ năng lượng than đá thứ 5 thế giới… Vì vậy, trong những năm qua, Change đã triển khai hàng loạt chiến dịch kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, giảm phát thải rác thải nhựa, giảm sử dụng năng lượng than đá…”.

“Mình đã chứng kiến, nhiều bệnh nhân ung thư tin vào tác dụng thần kỳ của sừng tê giác đến mức phải bán nhà để mua một mẩu sừng, bỏ qua phác đồ điều trị của bác sĩ, để rồi mất rất nhiều tiền mà vẫn không qua khỏi”. Chiến dịch “Không còn người mua, không có kẻ giết” có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là các bác sĩ ung bướu hàng đầu Việt Nam với những khẳng định sừng tê giác không phải là thần dược, không chữa được bệnh ung thư. Nhờ đó, tình trạng người dân mua sừng tê giác đã giảm đáng kể, tình trạng giết hại tê giác, loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng đã giảm hẳn. Năm 2016, theo khảo sát của Change, chỉ còn 9% người được khảo sát tin rằng sừng tê chữa được ung thư, giảm 73% so với kết quả năm 2014; giá bán buôn sừng tê giảm một nửa so với 2 năm trước.

Trong khuôn khổ của Hội nghị Liên Hợp Quốc Biến đổi khí hậu năm 2015 ( Paris, Pháp), Hoàng Thị Minh Hồng đã được vinh danh là “Anh hùng khí hậu” Việt Nam như một ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi cho thế giới của một người phụ nữ Việt Nam.

Nhân vật truyền cảm hứng cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama

Tháng 9/2018, Hoàng Thị Minh Hồng vinh dự trở thành 1 trong 12 người xuất sắc nhất từ 12 quốc gia được chọn tham gia chương trình Học giả Quỹ Obama khóa đầu tiên ở Trường Đại học Columbia (Mỹ) kéo dài 9 tháng. Đây là các nhà lãnh đạo dân sự nổi bật đã có nhiều đóng góp cho các vấn đề xã hội ở các quốc gia, trong đó, duy nhất chỉ có Minh Hồng hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mục tiêu của chương trình này là tiếp tục nâng cao năng lực cho các nhà lãnh đạo dân sự, để họ có thêm kiến thức, công cụ và được kết nối với những mạng lưới quốc tế, giúp họ tìm ra giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà họ đang theo đuổi.

“Cô Hồng Việt Nam” cho biết, mình rất bất ngờ khi ông Obama đã nhắc tới mình trong buổi gặp đầu tiên. Điều đó chứng tỏ, ông ấy rất quan tâm đến các vấn đề môi trường mà Change đã triển khai tại Việt Nam. Ông ấy là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, hiểu biết rất sâu sắc các vấn đề của từng quốc gia trên thế giới. Mình rất hứng khởi khi tham gia khóa học quan trọng này”.

Chính vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo giáo trình khóa học một cách tốt nhất, Minh Hồng còn tích cực tham gia hàng loạt diễn đàn, làm diễn giả ở nhiều hội nghị, sự kiện. “Mình tham gia để nói tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu, để nhận được những kinh nghiệm quý báu và kết nối các nguồn lực để mang về Việt Nam. Những ngày xuân xa nhà này, mình đang có rất nhiều năng lượng, mình đang trong quá trình xây dựng đề cương một kế hoạch cộng đồng có quy mô lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường và sẽ triển khai khi về Việt Nam…”.

Barrack Obama vo i ca c ho c gia

Trong thông điệp đầu năm 2019 trên trang tweet cá nhân, Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã viết: “Nếu bạn cần một chút cảm hứng, hãy nhìn vào cách một số nhà lãnh đạo trẻ đã truyền cảm hứng cho tôi trong năm nay”. Và một trong những nhân vật được ông Obama nhắc tới chính là “Anh hùng khí hậu” Đoàn Thị Minh Hồng của Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Thị Minh Hồng truyền cảm hứng khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO