Trong khi Chính quyền thì không cho xây dựng, sửa chữa vì đang thuộc diện giải phóng mặt bằng cho dự án, người dân chỉ biết “bó tay” ngóng chờ (!?)
Theo Đơn phản ánh của bà Lê Thị Thỏa, gia đình bà có mảnh đất từ thời cha ông để lại cho bà và các con với tổng diện tích là 3.130 m2, thửa số 209, được xác định tại Tờ Bản đồ số 15, trang số 85, Sổ Mục kê địa chính năm 1996, thuộc UBND xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1984, ông Trương Đình Mùi, là thương binh nặng (chồng bà Thỏa - đã mất) có sửa chữa ngôi nhà cũ cấp 4 để ở. Đến năm 1991, do con cái đông nên gia đình ông bà tiếp tục xây dựng ngôi nhà chính 3 gian nữa.
Bà Lê Thị Thỏa trong khu nhà xập xệ có thể bị sập đổ bất cứ khi nào mỗi khi mùa mưa bão đến. |
Ngoài xây dựng 2 ngôi nhà ngói kiên cố, gia đình ông Trương Đình Mùi, bà Lê Thị Thỏa còn xây dựng khu nhà bếp, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Số diện tích đất còn lại gia đình bà trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và trồng cây phi lao chắn sóng. Toàn bộ diện tích trên gia đình bà từ trước đến nay không tranh chấp với ai và nộp thuế, phí đầy đủ cho Nhà nước theo quý, theo năm.
Đến năm 2004, thực hiện Khu giải phóng mặt bằng sinh thái du lịch Hải Tiến, gia đình bà thuộc Khu du lịch giải phóng mặt bằng của Công ty Xứ Đoài. Ngày 11/5/2004, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1531/QĐ-UB có tổng diện tích thu hồi tại thửa 209 là 3.130 m2.
Khu đất 17 năm vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. |
Phản ánh với phóng viên, bà Lê Thị Thỏa cho biết: “Năm 2017, chồng tôi mất, gia đình tôi rất khó khăn, lâm vào cảnh cơ hàn. Nhưng tôi vẫn rất đồng tình, ủng hộ việc Nhà nước giải phóng mặt bằng làm Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Nhưng không hiểu sao khu đất gia đình tôi đến nay vẫn chưa được đền bù, mặc dù năm 2004 gia đình cũng đã nhận được Biên bản kiểm kê giải phóng mặt bằng, nhưng từ đó cho đến nay chỉ thấy “im bặt”, tôi cũng nhiều lần lên hỏi chính quyền địa phương nếu không lấy đất của gia đình tôi nữa thì phải trả lại cho gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà, để ổn định cuộc sống chứ”.
Hiện tại, gia đình bà Lê Thị Thỏa chỉ có 2 ngôi nhà ngói cấp 4, trong đó có một ngôi nhà đã 37 năm và ngôi nhà chính xây đã 30 năm. Đến nay tình trạng cả 2 ngôi nhà này đã xuống cấp, xập xệ, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, hiện tại gia đình bà có 3, 4 thế hệ (từ ông bà, con, cháu, chắt) cả thảy 15 người cùng chung sống mà không được cơi nới, sửa chữa gì từ đó cho đến nay vì đang thuộc diện giải phóng mặt bằng cho dự án. Nhưng nay, ngôi nhà đã xập xệ, sợ nhất là khi có bão đổ về cả gia đình phải đi ở nhờ. Nhiều hôm nhìn thương con, thương cháu đến rơi nước mắt vì ở trong nhà mà vẫn phải chịu mưa. Bản thân bà nay tuổi cũng đã cao, lại ốm đau bệnh tật triền miên chỉ mong có ngôi nhà mới khang trang để ở lúc tuổi già.
Toàn bộ khu nhà đã xây dựng từ năm 1991 của gia đình thương binh nặng Trương Đình Mùi và bà Lê Thị Thỏa có thể bị sập đổ bất cứ khi nào mỗi khi mùa mưa bão đến. |
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết: ông vừa được UBND huyện Hoằng Hóa điều động về làm Chủ tịch xã Hoằng Trường. Sự việc gia đình ông Trương Đình Mùi, bà Lê Thị Thỏa xảy ra cũng đã lâu, ông đã cử cán bộ chuyên môn kiểm tra lại thì đúng gia đình ông Trương Đình Mùi, bà Lê Thị Thỏa chưa nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng và đất tái định cư.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân, rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo UBND huyện Hoằng Hóa, UBND xã Hoằng Trường và Công ty Xứ Đoài cần khẩn trương lên phương án đền bù giải phóng mặt bằng, cấp đất cho gia đình theo như Quyết định số 1531/QĐ-UB ngày 11/5/2004 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Còn nếu không cũng nên trả lại đất cho dân, để dân ổn định cuộc sống, xây dựng, sửa chữa lại nhà. Đừng để cứ mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân lại lo sợ nhà đổ sập.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.