(TN&MT) - Chưa hoàn thành phục hồi môi trường mỏ sắt Phong Hanh ở xã An Định, huyện Tuy An (Phú Yên), nhưng hiện trên công trường, Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang (Công ty Sơn Giang) gần như rút toàn bộ bị máy móc thiết lực, nhân công phục vụ cho việc san lấp.
Mặc dù Công ty Sơn Giang (100% vốn Trung Quốc) đã nhiều lần xin gia hạn khắc phục môi trường mỏ sắt Phong Hanh và được UBND tỉnh Phú Yên đồng ý. Đến ngày 23/4, UBND tỉnh này tiếp tục chấp thuận cho phép giải ngân gần 500 triệu đồng trong tổng số 1.170.600.000 đồng tiền bán tinh quặng sắt để tạo điều kiện cho công ty thực hiện Đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường mỏ sắt Phong Hanh, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Kết quả kiểm tra mới đây của Sở TN-MT Phú Yên cho thấy, lượng bùn thải từ hồ lắng phía Đông đổ vào các hố trũng ở moong khai thác khoảng 448.241m3, đạt 80,8% khối lượng. Theo bản đồ hiện trạng do Công ty Sơn Giang cung cấp, thì mặt bằng kết thúc để trồng cây tại hồ phía Đông sai lệch với Đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường. Nguyên nhân là do khi lập đề án, công ty sử dụng bản đồ địa hình 1/10.000 của đơn vị lập từ tháng 11/2005, nay sử dụng mốc cơ sở địa chính để đo vẽ bản đồ hiện trạng tỉ lệ 1/1.000 có mức độ chính xác cao hơn. Trong khi đó, tại hồ phía Tây và moong khai thác, công ty đã tạo taluy, nhưng san lấp mặt bằng chưa đúng độ cao như đề án được duyệt.
Theo quan sát của phóng viên, hiện khu vực mỏ không còn máy móc thiết bị, nhân công và gần như bị bỏ hoang; việc san lấp mặt bằng hoàn thổ toàn bộ mỏ sắt cơ bản hoàn tất, nhưng tại khu vực hồ phía Tây và moong khai thác vẫn còn nhiều hầm hố nham nhở; việc trồng rừng thay thế được triển khai nhưng không đáng kể.
“Hiện Công ty Sơn Giang chỉ bố trí một người trông coi, giữ cây trồng, nhưng không thường xuyên có mặt tại mỏ. Muốn trao đổi công việc liên quan phải liên lạc qua điện thoại”, một cán bộ địa chính xã An Định, huyện Tuy An cho biết.
Từ thực tế trên, Sở TN-MT Phú Yên đề nghị Công ty Sơn Giang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải tạo, phục hồi môi trường, san ủi, cắt tầng khu vực moong khai thác và hồ phía Tây; hoàn chỉnh bản đồ hiện trạng, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh Đề án cải tạo, phục hồi môi trường; trước khi trồng rừng liên hệ với sở NN-PTNT để được hướng dẫn; liên hệ với Chi cục Bảo vệ môi trường để được hướng dẫn lập hồ sơ báo cáo xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường mỏ sắt. Ông Mai Kim Lộc, Phó giám đốc sở TN-MT Phú Yên cho biết, sẽ phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra thực tế hiện trường để có hướng xử lý tiếp theo.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2014, đoàn kiểm liên ngành của tỉnh Phú Yên cũng đã gia hạn, chậm nhất đến cuối tháng 6/2014, Công ty Sơn Giang phải hoàn thành việc phục hồi môi trường mỏ sắt Phong Hanh. Tuy nhiên, sau đó việc khắc phục môi trường gần như bị bỏ ngỏ cho đến nay.
Công ty Sơn Giang được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép khai thác mỏ sắt Phong Hanh trên diện tích 21ha từ năm 2007-2011. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này nhiều lần vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ môi trường, khai phá núi, đào một hồ chứa bùn rửa quặng có thể tích 30.000m3 và đào trái phép một hồ chứa bùn có diện tích hơn 1.000m2. Đến ngày 14/8/2012, UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường mỏ sắt Phong Hanh, thời gian hoàn thành đóng cửa mỏ trong 10 tháng. Nội dung đề án nêu rõ, Công ty Sơn Giang phải vận chuyển lượng bùn thải và đất đá làm bờ bao ở các hồ lắng với khối lượng 426.516m3 để lấp vào moong khai thác. Sau khi hoàn thành san lấp phải phủ lên bề mặt khoảng 1 mét lớp đất mặt để trồng cây phục hồi môi trường; trồng keo lá tràm trên diện tích 18ha trong khu vực mỏ với mật độ 2000 cây/ha… Tuy nhiên, đã qua nhiều lần gia hạn, việc thực hiện Đề án đóng cửa mỏ, phục mồi môi trường đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Bài & ảnh: Phương Nam