PV: Ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Trước khi Luật Dầu khí ra đời thì hoạt động Dầu khí của chúng ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn và phát triển khá sôi động ở cả miền Bắc và miền Nam với các phát hiện lớn như Bạch Hổ, Đại Hùng, Rồng ở miền Nam và Mỏ khí Tiền Hải C ở miền Bắc. Cụ thể là việc thành lập Liên doanh Vietsovpetro năm 1981 thông qua Hiệp định Liên chính phủ Việt Nam-Liên Xô với vùng hoạt động là Bồn Trũng Cửu Long và một phần Trũng Nam Côn Sơn (khu vực mỏ Đại Hùng) và ký kết một số hợp đồng dầu khí với các Công ty của Đức, Ý và Canada. Năm 1993, Luật Dầu khí ra đời với mục tiêu là tiếp tục thúc đẩy hoạt động dầu khí; bao trùm các hoạt động dầu khí vào trong khuôn khổ pháp lý mà trước đây chúng ta chưa có. Từ khi có Luật dầu khí 1993 thì tiếp theo đó chúng ta đã đẩy mạnh được hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí, tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài để gia tăng sản lượng khai thác. Ở vào đỉnh cao của hoạt động khai thác dầu khí vào khoảng năm 2014, chúng ta khai thác khoảng 27 – 28 triệu tấn dầu quy đổi mỗi năm. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay chỉ còn khoảng 17 – 18 triệu tấn dầu khí quy đổi, thấp hơn so với giai đoạn đỉnh cao đến 10 triệu tấn. Luật Dầu khí ra đời 1993 và đã sửa đổi 2 lần vào năm 2000 và 2008, nhưng thực chất những lần sửa đổi này không lớn, chủ yếu là nhằm tích hợp với những thay đổi của những Luật khác đặc biệt là liên quan đến Luật thuế và Luật đầu tư. Đến 2014, Nghị định 95 của Chính phủ ra đời là một bước cụ thể hóa hướng dẫn để thực hiện Luật Dầu khí sửa đổi năm 2008. Nhưng rất tiếc là khi Nghị định 95 ra đời cộng với biến đổi trên thị trường dầu khí với khủng hoảng giá dầu, cũng như hiện trạng tài nguyên, tình hình địa chính trị thế giới và khu vực thì một điều có thể thấy rõ là thu hút đầu tư vào ngành dầu khí kém hẳn. Từ năm 2015 đến nay số lượng hợp đồng dầu khí chúng ta ký kết là đếm trên đầu ngón tay, hay có thể nói là hầu như chúng ta không ký kết được các hợp đồng dầu khí mới. Một trong những nguyên nhân chính là các điều khoản của chúng ta không còn đủ hấp dẫn trong điều kiện mới đã có nhiều thay đổi.
Một bất cập nữa là chúng ta nhìn thấy rõ sự suy giảm về sản lượng khai thác nhưng cũng không có cách nào để đưa các mỏ mới, mỏ nhỏ vào khai thác. Chúng ta nhìn thấy có cơ hội để đẩy nhanh hoạt động khai thác các mỏ khí nhưng vì đặc thù dự án khí là dự án phát triển theo chuỗi, đã và đang gặp rất nhiều vướng mắc về thủ tục. Chính vì vậy mà cụm khí Lô B phát hiện năm 1997 đến thời điểm hiện nay vẫn chưa đưa vào phát triển khai thác. Hay mỏ khí Cá Voi Xanh là một mỏ rất lớn được phát hiện năm 2011, đến nay cũng 11 năm chúng ta chưa đưa vào phát triển được.
Một điều nữa mà chúng ta dễ dàng nhận thấy các Bộ luật mới ra đời sau 2008 như Luật Đầu tư, Luật quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước có những xung đột và có cả khoảng trống với Luật Dầu khí. Những bất cập đó cho chúng ta thấy rất cần phải điều chỉnh, sửa đổi Luật Dầu khí. Rất mừng là các cơ quan Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành đang rất ủng hộ việc này.
PV: Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã qua rất nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung để đi đến hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 4 tháng 10 tới đây. Ông đánh giá như thế nào về bảng Dự thảo Luật mới nhất hiện nay?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Dự thảo Luật đến nay đã trên 10 lần chỉnh sửa, đã có rất nhiều cuộc họp, hội thảo, rất nhiều ý kiến, tôi thấy sản phẩm có được hiện nay là rất đáng trân trọng, có hàm lượng khoa học cao, đã có sự kế thừa, tích hợp, tiếp thu, chỉnh sửa rất quan trọng. Những gì có được hôm nay là một sản phẩm mà chúng tôi cho rằng là rất trí tuệ, rất công phu, khoa học và phần nào cũng đã có thể đáp ứng nhu cầu hiện nay. Tuy nhiên, ở góc độ của những người chứng kiến hoạt động dầu khí từ trước khi Luật Dầu khí ra đời cho đến hiện nay Luật Dầu khí còn kém 1 năm nữa là tròn 30 năm, chúng tôi vẫn còn có một số băn khoăn và mong muốn tiếp tục có những tiếp thu, chỉnh lý từ Ban soạn thảo để chúng ta có được sản phẩm đáp ứng được kỳ vọng đặt ra.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể về những điều mà ông cho rằng cần tiếp tục xem xét, chỉnh sửa trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Cụ thể, về ngôn ngữ, Khoản 1, Điều 27, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cập nhật ngày 29/7/2022 quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt. Bộ Công Thương cho rằng, ở Khoản 2 điều này khi có nhà đầu tư nước ngoài thì sẵn sàng có hai ngôn ngữ. Nhưng chúng tôi mong muốn có hợp đồng dầu khí bằng tiếng Anh kể cả khi hợp đồng được ký kết bởi các đơn vị trong nước. Vì nhiều khi hợp đồng ký ban đầu chỉ mang tính chất dẫn dắt, nhưng sau đó mục tiêu của chúng ta là thu hút nhà đầu tư nước ngoài họ vào để cùng chia sẻ rủi ro, chia sẻ nguồn lực thì nếu chúng ta ký hợp đồng bằng tiếng Anh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, là hợp đồng tiếng Việt sau đó chuyển tải sang tiếng Anh. Bởi nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất nghi ngại với bản dịch mà không được các bên ký kết. Vì vậy chúng tôi kiến nghị xem xét, cân nhắc nên có bảng tiếng Anh và đó cũng chỉ là vấn đề kỹ thuật. Đó cũng là thông điệp về thu hút đầu tư, thông điệp chúng ta hội nhập với quốc tế. Vì dầu khí là quốc tế rồi.
Điểm thứ 2 liên quan đến chính sách ưu đãi. Trong chính sách ưu đãi theo Dự thảo Luật mới chúng ta thấy khá ổn. Tuy nhiên để xử lý cho những tình huống sẽ xảy ra sau này thì chưa đạt được. Cụ thể như trong quá trình đầu tư, triển khai hợp đồng dầu khí giai đoạn 1, giai đoạn 2, nhà đầu tư phát hiện ra các mỏ dầu hay mỏ khí không đủ lớn nếu áp dụng theo những tiêu chí hợp đồng đã ký kết thì dự án không thể khả thi để phát triển. Lúc đó, họ sẽ phải kiến nghị điều chỉnh các điều khoản hợp đồng, chuyển lên các mức ưu đãi cao hơn. Thì ở đây, trong dự thảo hiện nay điều 22b cho phép điều chỉnh nội dung hợp đồng dầu khí và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Chúng tôi cho rằng đây là một điểm khá mở, nhưng khó xử lý trong thực tế triển khai sau này. Chính vì vậy, chúng tôi muốn bổ sung chính sách ưu đãi trong điều 47 thêm một ý là chính sách ưu đãi đối với các lô mỏ được thực hiện thông qua hợp đồng dầu khí và bổ sung thêm là với hợp đồng dầu khí sửa đổi. Như vậy sẽ tăng sức thu hút nhà đầu tư, bởi khi có rủi ro họ vẫn có cơ hội để phát triển, mà phát triển được sẽ có lợi cho cả nhà đầu tư và chủ nhà.
Về lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ. Tôi kiến nghị giữ lại theo Điều 26 của Luật Dầu khí cũ. Vì hoạt động dầu khí có đặc thù, các hoạt động dầu khí là sử dụng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc là sử dụng vốn hỗn hợp của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Thứ hai là hoạt động dầu khí có những lô nằm ở khu vực nhạy cảm, có rất nhiều tình huống không được đấu thầu quốc tế mà chỉ đấu thầu hạn chế trong nước. Thứ ba hoạt động dầu khí là hoạt động ngoài khơi, xa căn cứ dịch vụ vì vậy các tình huống khẩn cấp nếu không được ứng xử kịp thời sẽ phát sinh chi phí. Một giàn khoan đứng đợi chờ một hạng mục dịch vụ nào đấy trong tình huống khẩn cấp sẽ phải mất chi phí thuê giàn hơn chục ngàn USD/ngày, chưa nói đến dịch vụ khác nhưng mà phải chờ như vậy thì sẽ phát sinh chi phí, bất lợi. Trong Luật Đấu thầu có định nghĩa trường hợp đặc biệt, thì chúng tôi mong muốn tới đây trong nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Dầu khí sửa đổi thì các tình huống đặc biệt trong dầu khí sẽ được đưa vào mục này. Tức là vẫn giữ nguyên Điều 26 luật cũ và kèm theo đó là hướng dẫn trường hợp đặc biệt.
Về phần đầu tư, hiện nay các dự án trong Luật đề cập khá nhiều nói về khai thác các hợp đồng dầu khí và vấn đề khai thác tận thu, khai thác vét, nhưng chưa đề cập đến hoạt động đầu tư bổ sung trên các dự án này. Ở những mỏ/dự án này, nếu chúng ta đầu tư hoặc thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bổ sung vào đấy thì có cơ hội tận dụng hạ tầng sẵn có và phát triển khai thác, chúng ta sẽ có lợi và nhà đầu tư cũng có lợi về việc đó. Vì vậy, tôi cho rằng nên bổ sung việc đầu tư bổ sung vào Luật để chúng ta có cơ hội để thu thuế từ hoạt động đầu tư bổ sung này.
Điểm nữa là trong quyền và trách nhiệm của Petrovietnam và cơ quan chủ sở hữu hiện nay. Trong Dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến quyền tham gia, quyền ưu tiên mua lại. Tôi cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung phần chuyển nhượng, vì hoạt động mua bán, chuyển nhượng là thường diễn ra.
Về phân cấp, trong thực tế trước khi sửa đổi năm 2000 thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt ODP và Thủ tướng phê duyệt FDP. Sau đó Luật sửa đổi năm 2008 thì ODP là Bộ Công Thương phê duyệt. Chúng tôi mong muốn, kiến nghị nên phân cấp cho Petrovietnam phê duyệt ODP để công việc được thuận lợi với những dự án phát triển thông thường, còn với những dự án theo chuỗi thì vẫn là Thủ tướng phê duyệt.
Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, chúng tôi đã và luôn theo dõi, tích cực góp ý kiến để xây dựng Luật và mong rằng sẽ đóng góp được những ý kiến thiết thực từ thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động trong ngành Dầu khí qua suốt quá trình hình thành và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Chúng tôi rất mong chờ kỳ họp tới Quốc hội sẽ phê duyệt Luật Dầu khí (sửa đổi), tạo ra cơ chế mới, bước chuyển biến lớn, thúc đẩy hoạt động dầu khí phát triển đóng góp cho đất nước.
Xin cảm ơn ông!