Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có diễn ra từ ngày 9 - 10/7 tại TP. Đà Nẵng do Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Bộ Nội vụ Australia và Toà án nhân dân Tối cao tổ chức.
Tại hội thảo, đại diện của Toà án nhân dân Tối cao đã trình bày các Nghị quyết; các chuyên gia của Bộ Nội vụ Australia và UNODC đã chia sẻ các chuẩn mực quốc tế, đưa ra bình luận và đóng góp ý kiến cụ thể đối với dự thảo Nghị quyết.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Anne Freestone- Tổng lãnh sự quán Australia tại TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Rửa tiền là một vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và là nhân tố chính thúc đẩy tội phạm có tổ chức và tài trợ cho khủng bố. Tội phạm thường thu được khối ngân sách khổng lồ từ các hành vi phi pháp như buôn bán ma tuý, buôn người và tham nhũng. Để hưởng lợi từ các hành vi đó, tội phạm cũng thường tìm cách đưa những khoản ngân sách này vào hệ thống tài chính hợp pháp nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của chúng. Ngăn ngừa việc lạm dụng các hệ thống tài chính trong nước và quốc tế đóng một vài trò sống còn trong cuộc chiến chống lại loại tội phạm này.
“Chỉ xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội nguồn sẽ không có đủ sức răn đe đối với loại tội phạm khi mà động cơ chính của tội phạm là lợi nhuận và lòng tham. Điều tra hiệu quả, truy tố thành công các trường hợp rửa tiền sẽ đem lại một thông điệp mạnh mẽ rằng mắc tội thì sẽ bị trừng trị”- bà Anne Freestone nhận định.
Ông Chistopher Batt, cố vấn về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, UNODC khu vực Mêkong - Đông Nam Á kiêm phụ trách UNODC Việt Nam cho biết, vào năm 2019, lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền tại FATF sẽ thực hiện đánh giá quốc gia về hiệu quả phòng chống rửa tiền ở Việt Nam. Tại kỳ đánh giá này, Việt Nam cần thể hiện các định chế về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố hiệu quả ra sao.
“Nghị quyết cần phải được hoàn thiện và ban hành càng sớm càng tốt để Việt Nam có thể thực sự áp dụng hiệu quả các quy định của pháp luật hình sự về rửa tiền trước khi kỳ đánh giá diễn ra vào năm sau”- ông Chistopher Batt nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoà Bình- Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho biết: Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 41 của Quốc hội đã “Giao Tòa án nhân dân tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Ở Việt Nam, tội phạm rửa tiền không phải là tội phạm truyền thống, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế. Do đó, chúng ta rất cần một lực lượng thực thi pháp luật được trang bị đầy đủ kiến thức, thông tin cũng như hệ thống pháp luật hoàn thiện để đấu tranh chống loại tội phạm này một cách hiệu quả.
Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể nên cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
“Tòa án nhân dân tối cao ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của UNODC và Bộ Nội vụ Australia trong việc tổ chức hội thảo và mong rằng trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng hành với Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam trong việc triển khai các nhiệm vụ của mình, đặc biệt là trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật”- ông Nguyễn Hoà Bình cho biết.