Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Huế |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua theo quy định; thời hạn gửi hồ sơ tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/3/2021.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nội dung dự thảo Nghị quyết nêu trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, soạn thảo theo trình tự thủ tục rút gọn và thông qua tại một kỳ họp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương gửi các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến Bộ Tư pháp theo quy định.
Sau 10 năm Thừa Thiên Huế thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Do đó, với cách tiếp cận, cách nhìn và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một thành phố có đặc thù về di sản, bề dày lịch sử văn hóa, thành phố xanh, thông minh và hiện đại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế khác so với quy định của luật hiện hành đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phù hợp với quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội - văn hóa. Mô hình đô thị đối với Thừa Thiên Huế là cần thiết để tạo điều kiện cho tỉnh có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Đây là quyết sách, công cụ quan trọng nhất để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó cho phép áp dụng các tiêu chí đặc thù về quy mô, mật độ dân số, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người… trong đánh giá phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính đô thị; thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương; và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm góp phần giúp Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tạo nguồn thu ngân sách bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thân thiện, hiệu quả, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như đã đặt ra tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Nghị quyết tập trung đề xuất 04 chính sách gồm: Phí tham quan di tích; Quỹ bảo tồn di sản Huế; Quy định mức dư nợ vay; sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý.