Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch – Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, thực hiện kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 (Chiến lược), ngày 30/10/2020, Bộ TN&MT đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ phê duyệt.
Ngày 19/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn gửi xin ý kiến các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về việc góp ý dự thảo Chiến lược. Tính đến ngày 15/12/2020, Bộ TN&MT đã nhận được 4 văn bản góp ý kiến của các Bộ.
Đa số các ý kiến góp ý tập trung hoàn thiện các nội dung cơ bản của Chiến lược như: lồng ghép giữa Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường và Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và bản đồ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện; cân nhắc xem xét thời điểm ban hành Chiến lược cho phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030; cân nhắc, bổ sung nội dung liên quan đến xã hội hóa các hoat động trong lĩnh vực đo đạc bản đồ và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực của nhà nước; bổ sung nội dung có tính chất dự báo, định hướng quá trình phát triển của ngành Đo đạc và bản đồ để tiếp cận với các chuẩn và khớp nối với Cổng dữ liệu quốc tế và trong dự thảo Chiến lược; cân nhắc xem xét, bổ sung tầm nhìn của Chiến lược…
Ngành đo đạc bản đồ xây dựng Chiến lược phát triển đến 2045 (Ảnh: MH) |
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã thống nhất sửa đổi tầm nhìn của Chiến lược đến năm 2045; bổ sung nội dung hội nhập quốc tế, thu hút tài năng trẻ vào quan điểm của Chiến lược; bổ sung mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc và phấn đấu đến năm 2045 phát triển ngành Đo đạc và bản đồ trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển, phấn đấu 80% các công nghệ tiên tiến trên thế giới được chuyển giao.
Cùng với đó, trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế về đo đạc bản đồ sẽ lựa chọn ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ lõi như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; nghiên cứu chế tạo phương tiện đo để sử dụng trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ;…
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã thảo luận, làm rõ hơn các nội dung quy định trong Dự thảo đảm bảo tính khoa học, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của dự thảo Chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển của đất nước.
Trong đó, cần cập nhật Dự thảo Chiến lược theo các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các chủ trương, chính sách của Đảng tại các báo cáo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đặc biệt, chủ động rà soát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Dự thảo Chiến lược đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đo đạc và Bản đồ 2018.