Hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào

19/09/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 19/9/2017, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo nhà nước về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào (vào ngày 19/6/2017), Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào (vào ngày 10/7/2017) và hai nước đã trao đổi công hàm thông báo hai văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 05/9/2017. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và cán bộ của 10 tỉnh biên giới giáp Lào và các ban, bộ, ngành hữu quan ở Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Viết Phùng

Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo nhà nước về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền nhấn mạnh Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để khẳng định việc hoàn thành toàn bộ tiến trình giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ với nước bạn Lào anh em. Hội nghị là dịp để các bộ, ngành và địa phương liên quan đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào từ năm 2008 đến nay, đồng thời quán triệt công tác quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ với Lào theo 02 văn kiện mới ký kết.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đã trình bày báo cáo tổng kết quá trình triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Theo đó, hai bên đã cắm 834 cột mốc chính tại 792 vị trí theo như kế hoạch ban đầu, đồng thời cắm bổ sung 168 cọc dấu tại 113 vị trí để làm rõ thêm đường biên giới ở một số khu vực (tổng số mốc trên toàn tuyến tăng gấp 4,5 lần so với trước, trung bình khoảng 2,6 km có một vị trí mốc hoặc cọc dấu). Trong quá trình này, hai bên đã phối hợp tổ chức 63 cuộc họp các cấp, gần 100 đoàn công tác liên ngành song phương và hàng nghìn cuộc họp, làm việc giữa các cặp tỉnh và các Đội cắm mốc liên hợp. Ngày 16/3/2016 tại Hà Nội, hai bên đã tổ chức Lễ Tổng kết công bố hoàn thành “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào” và ký hai văn kiện pháp lý quan trọng là: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào. Hai văn kiện này đã được cấp có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 05/9/2017. Đây là một thành tích có ý nghĩa đặc biệt chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niêm với các đại biểu. Ảnh: Viết Phùng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niêm với các đại biểu. Ảnh: Viết Phùng

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Triển khai Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 30/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào”, Bộ TN&MT đã thành lập Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc, triển khai các hoạt động để thực thi nhiệm vụ. Ban chỉ đạo có thành phần gồm 01 Thứ trưởng làm Trưởng ban Ban chỉ đạo, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam là Phó trưởng Ban, đại diện một số vụ chức năng của Bộ và Trung tâm Biên giới và Địa giới là cơ quan Thường trực giúp việc Ban chỉ đạo của Bộ để triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc báo cáo tham luận tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc báo cáo tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Bích

Bộ đã điều động 50 cán bộ kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu, được lựa chọn từ các cơ quan, đơn vị trong Bộ, biệt phái xuống 10 Đội cắm mốc của 10 tỉnh để trực tiếp làm công tác kỹ thuật xác định vị trí mốc trên thực địa.

Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cắm mốc cho toàn bộ kỹ thuật, Đội trưởng, Đội phó các Đội cắm mốc và cán bộ của các tỉnh tham gia công tác cắm mốc của 10 tỉnh biên giới Việt - Lào. Công tác tập huấn được duy trì đều đặn hằng năm nhằm rút kinh nghiệm đồng thời bổ sung kiến thức mới cho lực lượng cắm mốc, nhờ vậy mà lực lượng kỹ thuật đã chủ động trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho Lào 02 lần nhằm trang bị kiến thức kỹ thuật cắm mốc và sử dụng máy móc thiết bị. Chuẩn bị các tài liệu, bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 và thành lập mới bộ bản đồ các khu vực cửa khẩu tỷ lệ 1/10.000 dùng thể hiện chi tiết đường biên giới và mốc giới tại các cửa khẩu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Huân chương lao động hạng Ba cho các tập thể và cá nhân
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Huân chương lao động hạng Ba cho các tập thể và cá nhân. Ảnh: Nguyễn Bích

Xây dựng các trạm GPS cố định tại Điện Biên và Quảng Bình phục vụ công tác đo đạc, cắm mốc trên thực địa. Từ năm 2008 đến tháng 3/2016, trong thờì gian khoảng 8 năm lực lượng kỹ thuật của Bộ đã luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và đã cùng các lực lượng liên quan khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh: Bộ TN&MT coi công tác tăng dày tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là nhiệm vụ trọng tâm, trọng đểm của Bộ nên đã quan tâm chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng triển khai nhiệm vụ biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các cán bộ kỹ thuật được giao nhiệm vụ này là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng được huấn luyện về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, được tập huấn thường xuyên. Chuyên viên kỹ thuật giúp việc Ban chỉ đạo là những chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong công tác biên giới. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng thi công đã gặp phải muôn vàn khó khăn, gian khổ. Song vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lực lượng kỹ thuật thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo mốc đã hoàn thành toàn bộ công việc được giao. Đã tiến hành tăng dày tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, trên tổng chiều dài đường biên giới Việt Nam - Lào là 2337,459km trong đó đường biên giới trên đất liền là 2026,667km, theo sông suối là 310,792km; đã xác định vị trí, đo tọa độ, độ cao và lập hồ sơ cho 1002 mốc giới;

In 844 bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000, mỗi bộ gồm 63 mảnh, In 200 bộ bản đồ 1/10.000, mỗi bộ gồm 18 mảnh, thực hiện tốt việc rà soát, kiểm tra, biên tập gần 1500 trang các văn kiện, văn bản để đính kèm Nghị định thư.

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc kiến nghị: Cần xây dựng cơ sở dữ liệu biên giới Việt Nam - Lào để phục vụ quản lý biên giới sau khi các văn kiện có hiệu lực; Xây dựng bộ bản đồ chuẩn đường biên giới Việt Nam - Lào phục vụ công tác quản lý và công bố rộng rãi cho mọi người dân biết để góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, tiếp tục bố trí chi ngân sách hàng năm để đảm bảo triển khai một số nhiệm vụ nhằm phục vụ cho công tác quản lý đường biên, mốc giới sau phân giới, cắm mốc của Bộ.

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền hai nước Việt Nam, Lào
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền hai nước Việt Nam, Lào

Đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả Hội nghị đã đạt được. Thủ tướng khẳng định việc hoàn thành thắng lợi toàn bộ Kế hoạch tổng thể góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam - Lào cả về pháp lý và thực tiễn. Thủ tướng nêu rõ từ nay, ta và Lào đã có một đường biên giới hết sức rõ ràng, được ghi nhận rất chi tiết trong các văn kiện pháp lý, bản đồ đính kèm và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa. Thành quả này không những tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ đường biên giới, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hoá, du lịch của các địa phương và nhân dân vùng biên giới; củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới; góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ biên giới là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cần căn cứ vào các quy định của 02 văn kiện pháp lý mới ký kết với phía Lào và các quy định của pháp luật hiện hành để triển khai tốt công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, xây dựng một đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã tổ chức công bố Quyết định và trao tặng các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Trung tâm Biên giới và Địa giới (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam – Bộ TN&MT) vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng Ba.

Thúy Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO