Thôn Đại Định, xã Ân Mỹ hiện có gần 400 hộ dân sinh sống bên bờ sông An Lão. Hàng ngày họ đưa con đi học Trường THCS Ân Mỹ (thôn Long Quang), Trường THPT Võ Giữ (thôn Mỹ Thành), xã Ân Mỹ phải qua đò hoặc đi đường bộ đến thôn Năng An, xã Ân Tín, qua thôn Mỹ Thành, thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ mới đến trường với khoảng cách 7 - 8 km. Vì đi đường bộ quá xa nên phần lớn người dân đều chọn đi đò từ Đại Định qua Long Quang để tiết kiệm thời gian.
Tuy nhiên, việc đi đò lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nhất, là vào mùa mưa lũ khi nước lũ dâng cao, dòng sông An Lão chảy xiết nguy hiểm đến tính mạng cho người dân, đặc biệt đối với học sinh đi đò qua sông An Lão.
Sau đó UBND xã Ân Mỹ làm chiếc cầu vĩ (cầu tre) bắc qua sông An Lão để người dân từ thôn Đại Định đi qua Long Quang. Chiếc cầu cũng chỉ tồn tại được thời gian ngắn đành phải bỏ vì quá nhiều người đuối nước. Người bị nạn chủ yếu là từ nơi xa tới không thông thạo khi qua cầu bị sụp cầu rớt xuống sông.
Do nguy hiểm đến tình mạng của người dân và học sinh đi học tại hai Trường THCS Ân Mỹ (thôn Long Quang), Trường THPT Võ Giữ (thôn Mỹ Thành) nên UBND xã Ân Mỹ không cho hoạt động đưa đón tại bến đò Đại Định và tháo dở chiếc cầu vĩ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hà Thanh- Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ nói: Bến đò hình thành từ rất lâu để người dân thôn Đại Định đi qua. Sau này, UBND xã có xây thêm cầu vĩ nhưng vì một năm có đến hai, ba người chết nên chúng tôi bỏ luôn bến đò và cây cầu vĩ. Hiện tại, người dân thôn Đại Định đưa con em đi đò bằng xuồng của hộ gia đình chứ xã không tổ chức lập bến đò đưa đón như trước nữa. Nhiều năm nay, chính quyền cùng người dân địa phương mong mỏi nhà nước xây cầu Đại Định. Cầu Đại Định được xây dựng sẽ nối liền tuyến giáp ba xã Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Thạnh.
Cử tri xã Ân Mỹ nhiều lần kiến nghị đến HĐND tỉnh Bình Định bày tỏ nguyện vọng đầu tư kinh phí xây dựng cầu Đại Định đi Long Quang. UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Hoài Ân chủ động cân đối ngân sách của địa phương để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp vốn đầu tư lớn, UBND huyện Hoài Ân có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí.
Đầu tư xây dựng cầu Đại Định là đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương, từng bước củng cố, hoàn thiện mạng lưới giao thông, góp phần phát triển sản xuất, tạo đà cho huyện Hoài Ân phấn đấu thành đô thị hiện đại trong tương lai. Không biết đến khi nào cầu Đại Định mới được xây dựng để thỏa lòng mong ước của người dân?!.